Miền Trung trong biển nước
Thủy điện bất ngờ xả lũ kèm theo mưa lớn kéo dài khiến cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị ngập nặng, hàng ngàn ngôi nhà chìm trong biển nước.
Nghệ An nhiều nơi bị ngập nặng khiến hàng nghìn học sinh phải nghỉ học (Ảnh: Bắc Vũ).
Nghệ An: Mưa lũ hoành hành
Trong 3 ngày (13,14 và 15/10), tại Nghệ An, mưa trút xuống liên miên không dứt, gây nên cảnh ngập lụt từ thành thị đến nông thôn. Lượng mưa đo được từ 250-350mm, thậm chí có nơi lên tới 400mm.
Báo cáo từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Nghệ An cho biết, mưa lớn liên tục trút xuống Nghệ An trong 3 ngày làm nhiều tuyến đường, cầu tràn bị ngập sâu.
Nhiều tuyến bị ách tắc: Km39+400 (xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu) ngập 0,35m; đoạn Km234+900 - Km234+970 (xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc), dài 70m, ngập 0,2m; tỉnh lộ 542E qua xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên ngập 1m; Quốc lộ15 đoạn Km272 - Km272+050 (qua Thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ), Mưa lớn cũng khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu của tỉnh bị ngập, trong đó, lúa bị ngập: 815ha; ngô và rau màu các loại bị ngập: 5.206ha; diện tích nuôi cá bị ngập: 609ha…
Đặc biệt, lũ lớn cuốn chết 2 người. Em Phạm Ngọc Hoàng (học sinh lớp 8B) Trường THCS Nam Kim, trú tại xóm Tam Giáp, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn trên đường đi học thì bị nước lũ cuốn trôi.
Lúc này một người đi đường phát hiện em Hoàng bị lũ cuốn đã lao theo để cứu nhưng do nước chảy xiết không kịp vớt được em Hoàng. Sau một giờ đồng hồ, lực lượng tìm kiếm cứu nạn mới tìm vớt được thi thể em Hoàng và bàn giao cho gia đình tổ chức lễ mai táng.
Chiều cùng ngày, tại huyện Yên Thành, mưa lớn khiến nước lũ dâng nhanh. Ông Nguyễn Vĩnh Hà (45 tuổi) trú xóm 16, xã Mỹ Thành đi qua đập tràn trong xã đã bị cuốn vào dòng nước lũ.
Gần một giờ đồng hồ, thi thể anh Hà được người thân và lực lượng cứu nạn tìm thấy cách xã vị trí bị nước cuốn trôi khoảng 30m phía hạ nguồn.
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Hồ Hồng Tuyến- Trưởng ban Phong trào (MTTQ tỉnh Nghệ An) cho biết, MTTQ tỉnh đang chờ thông báo cụ thể của Mặt trận hai huyện Nam Đàn và Yên Thành để có hỗ trợ cần thiết.
Cụ thể, số tiền hỗ trợ sẽ là 5 triệu/1 người tử vong, 2 triệu đồng/1 người bị thương. Riêng các thiệt hại khác như hoa màu, nhà cửa…sau khi có thống kê, Mặt trận sẽ trích quỹ cưu trợ để hỗ trợ cho nhưng gia đình bị thiệt hại.
Mưa lũ cũng làm 2.835 hộ (các phường Bến Thủy, Cửa Nam, Đội Cung, Hồng Sơn, Hưng Bình, Lê Lợi, Quán Bàu, Trung Đô, Vinh Tân và xã Hưng Chính, Nghi Kim của TP Vinh) bị ngập lụt.
Vật dụng sinh hoạt được người dân để trên bè nổi để khỏi bị lũ cuốn trôi (Ảnh: Hạnh Nguyên).
Hà Tĩnh: Dân không kịp trở tay
Trong mấy ngày qua, mưa to giớ lớn làm nước dâng rất cao tại nhiều huyện, xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Mức độ thiệt hại cả về người, tài sản, vật nuôi, cây trồng đến nay vẫn không thể tính hết.
Tuy mưa đã dứt nhưng nước vẫn rút chậm. Đồng thời, cùng với các tỉnh miền Trung đang hứng chịu mưa lũ, thì Hà Tĩnh cũng đang đối diện với sự tấn công của siêu bão Sarika.
Trận lũ lớn vừa qua, nhiều người dân Hà Tĩnh đã trở tay không kịp. Trong khi đó, thủy điện Hố Hô lại xả lũ cộng với nước từ vùng thượng nguồn ở Quảng Bình chảy sang đã nhấn chìm hàng chục nghìn ngôi nhà của người dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), của cải tích cóp bao năm đều trôi theo dòng nước. Điều khiến người dân bức xúc là thủy điện bất ngờ nâng mức xả lủ ngay trong đêm làm người dân không kịp trở tay.
Sáng 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã xuống các xã của huyện Hương Khê, nơi ngập nặng nhất của Hà Tĩnh để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống, cứu hộ cứu nạn trong mưa lũ.
Tại đây, ông Khánh cho rằng, việc xả đập Hố Hô khiến nước lên nhanh người dân trở tay không kịp. “Buổi tối, Hố Hô xả quá nhanh, không thể xả ồ ạt như vậy được”- theo ông Khánh.
Cho dù Công ty quản lý, vận hành nhà máy thủy điện có giải thích nhưng chính quyền huyện Hương Khê vẫn hết sức bức xúc. Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn cho rằng, việc xả lũ của thuỷ điện Hố Hô bắt buộc phải thông báo tới chính quyền địa phương và người dân để chủ động, nhưng UBND huyện không nhận được thông báo bằng văn bản nào của nhà máy về việc xả lũ, lưu lượng, thời gian để cảnh báo.
“Đại diện nhà máy chỉ thông báo qua điện thoại tới 1 vị phó chủ tịch huyện lúc 16h chiều 14/10. Cả huyện hoàn toàn bị động trước việc này. Khi chưa mưa thì không xả, lại nhè lúc mưa lớn để xả.
Nước trên đổ về, nước sông dâng lên, tôi đề nghị dừng lại từ 1-2 tiếng cho nước rút bớt, điều kiện lúc đó có thể dừng xả 1 tiếng nhưng lãnh đạo nhà máy không chấp thuận”- ông Huấn nói.
Tại thời điểm này, huyện Hương Khê có 8 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp khi thuỷ điện Hố Hô xả lũ. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Khánh- Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, chỉ trong vòng 1 tiếng xã đã bị nước nhấn chìm.
Toàn xã bị thiệt hại 70 tấn lúa, hàng chục ha bưởi và rất nhiều gia súc, gia cầm của người dân bị chết và lũ cuốn trôi. Còn tại xã Hương Giang, có tới 700/1.400 hộ dân bị ngập, khoảng 300 hộ ngập từ 1,5m trở lên. Thiệt hại về gia súc thì chưa thống kê được, còn vài nghìn con gia cầm bị lũ cuốn trôi, lương thực khoảng 60 tấn bị nhấn chìm.
Thống kê bước đầu từ văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN Hà Tĩnh, mưa lũ đã làm 4 người chết, 1 người ở xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc mất tích. Hơn 24.000 hộ dân của 93 xã/9 huyện, thành phố bị ngập sâu trong nước, trong đó, địa phương ngập nặng nhất là huyện Hương Khê với 16 xã, 10.357 hộ; Thạch Hà 24 xã 3.264 hộ; Cẩm Xuyên 20 xã, 7.287 hộ...
Đối với nông nghiệp, có 723ha lúa mùa; 1.416ha hoa màu; 400ha cây ăn quả; hơn 12 tấn lương thực bị ướt, ngập nước, hư hỏng. 99.000 con gia cầm; 869 con trâu bò và 399 con lợn bị chết, cuốn trôi; 337 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập.
Về giao thông - thủy lợi, mua lũ gây sạt lở 3.170m3 đất đá; 16 cầu cống bị xói lở, hư hỏng; 195 tấn vật tư công trình bị nước cuốn trôi. Ngoài ra, một số tuyến đường giao thông huyết mạch như: QL15B, QL15, đường tỉnh ĐT 553, ĐT 554 bị chia cắt trong thời gian khá dài.
Người dân ở tổ dân phố Môn (Quảng Bình) phơi lại số gạo bị ướt.
Quảng Bình: Biển nước mênh mông, lòng người quặn thắt
Theo thống kê, tới thời điểm này trận mưa lũ dữ dội đã khiến 22 người dân Quảng Bình chết và mất tích, bị thương 13 người; 77.504 hộ bị ngập lũ, hàng trăm ngàn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, hàng ngàn ha hoa màu bị thiệt hại, nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng… Giữa biển nước mênh mông, lòng người quặn thắt.
Bà Trần Thị Thơm, tổ dân phố Môn, phường Quảng Thuận cho biết: “Buổi khuya 15-10, nước lũ dâng cao lên tới nửa khung cửa sổ, vợ chồng tôi xoay sở, thu dọn không kịp nên hơn 2 tấn lúa đã bị ngâm nước, đồ đạc trong nhà hư hại cả. Vợ chồng không có chỗ ở nên qua nhà cô Cúc đây, nếu không thì biết đi đâu”. Được biết, trận lũ lần này đã vượt đỉnh lũ lịch sử 2007 tới 15cm.
Tại thị xã Ba Đồn, nước sông Gianh dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng đối với 6 phường và 10 xã. Toàn thị xã có trên 1.900 nhà dân bị ngập nước, trong đó nhiều xã có 100% số nhà bị ngập trên 1m so với nền nhà. Thôn cồn nổi ở giữa sông Gianh ngập sâu 2m, bị cô lập hoàn toàn. Tại phường Quảng Phong có 100% số nhà bị ngập (trong đó có 800/1.300 nhà ngập trên 1m).
Mưa lớn cũng đã gây ngập trắng hơn 2.000 nhà dân ở các xã Quảng Thanh, Phù Hóa; các thôn Thượng Thọ, Vĩnh Thọ, Kinh Nhuận (xã Cảnh Hóa) và thôn Thuận Hòa (xã Quảng Trường). Ông Hoàng Duy Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thanh cho biết, xã có 1.000 hộ dân gần như bị ngập trong nước lũ, hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài.
Còn tại huyện Tuyên Hóa đã có trên 3.500 nhà dân bị ngập lũ, hàng trăm hộ dân bị đe dọa bởi lũ lụt buộc phải di dời đến nơi an toàn. Xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) nơi rốn lũ hơn 600 hộ dân bị ngập, nơi sâu nhất khoảng 3m, xã đã bị chia cắt hoàn toàn. Xã Thượng Hóa có 175 nhà dân ở thôn Phú Nhiêu bị ngập, nơi ngập sâu nhất trên 2,5m. Xã Liên Trạch, xã Sơn Trạch, xã Phúc Trạch) bị cô lập, ngập sâu từ 1m đến 2m.
Ông Nguyễn Trung Thành- Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) cho biết, do mưa lớn ở thượng nguồn, nước lũ sông Roòn đổ về quá mạnh khiến 13 tàu cá của ngư dân Cảnh Dương bị sóng đánh chìm và 20 chiếc bị mắc cạn. Ngư dân Trần Bình Dương (sinh năm 1974) buồn bã than: “Răng mà ngư dân bọn tui khổ lắm ri hè!”...
Ngày 16/10, ông Trần Văn Tuân- Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình cùng đoàn công tác đã đi thăm và kiểm tra tình hình lũ lụt tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Ba Đồn; đồng thời trao 150 triệu đồng tiền cứu trợ khẩn cấp của Ủy ban MTTQ tỉnh cho các địa phương.
Tại những nơi đến kiểm tra, ông Trần Văn Tuân lưu ý các địa phương rà soát lại các hộ dân đang bị chia cắt do mưa lũ để cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ bà con, tuyệt đối không để dân chịu đói; kịp thời thăm hỏi những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề, ngư dân có tàu thuyền bị lũ cuốn trôi, nhất là những gia đình có người thân bị chết, mất tích do mưa lũ; khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ, tiến hành dọn dẹp nhà cửa, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trước đó, chiều ngày 15/10, đoàn cứu trợ của Uỷ ban MTTQ huyện Bố Trạch và Hội Chữ thập Đỏ huyện đã hỗ trợ khẩn cấp 400 thùng mì tôm và nước uống cho người dân ở những nơi bị ngập nặng ở xã Sơn Trạch và Phúc Trạch (huyện Bố Trạch).