Thiếu niềm tin, ngân hàng 'không gặp' doanh nghiệp
Mong muốn tạo vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Quỹ bảo lãnh tín dụng ra đời làm “cầu nối” giữa DN và ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian qua nguồn vốn cho DNNVV vẫn là bài toán khó vì ngân hàng thiếu niềm tin vào khả năng trả nợ của DN.
Ảnh minh họa.
Quỹ bảo lãnh tín dụng TP HCM cho hay, hiện thành phố có khoảng 284.000 DN, trong đó DNNVV áp đảo với tỷ lệ 96%.
Do số lượng DNNVV chiếm tỷ lệ cao nên nhu cầu vay vốn đầu tư của DNNVV trên địa bàn rất lớn song các nguồn quỹ bảo lãnh không đáp ứng được nhu cầu về nguồn vốn cho DN.
Đơn cử, tổng nhu cầu vay vốn bình quân năm 2009-2013 là 1.256 tỷ đồng nhưng bảo lãnh được khoảng 524 tỷ đồng. Năm 2014-2015 nhu cầu vay vốn bình quân của DNNVV trên địa bàn là 1.347 tỷ đồng, thế nhưng Quỹ bảo lãnh giải ngân với mức khá khiêm tốn: 31 tỷ đồng.
DNNVV tìm đến quỹ rất nhiều nhưng quỹ lại không đáp ứng được yêu cầu DN. Theo ông Nguyễn Tấn Phước - Phó Trưởng ban thường trực Ban quản lý Khu công nghiệp-Khu chế xuất TP HCM, 1 trong 3 khó khăn dai dẳng đeo bám DN dài hạn chính là sự khát vốn. Điều băn khoăn và bất cập nhất hiện nay, DN khát vốn trong điều kiện ngân hàng không thiếu tiền.
Nhận định từ hoạt động thực tế, đại diện Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN TP HCM khẳng định, Quỹ bảo lãnh này gần như “bất động” vì quá nhiều vướng mắc, bất cập trong quy định hạn chế điều kiện phát triển của quỹ. Cụ thể, muốn vay vốn từ Quỹ này phải có tài sản thế chấp bằng 30% khoản vay.
Quy định này không thực tế vì nếu có tài sản thế chấp DN đã không cần tìm đến quỹ cho mất thời gian và chi phí. Hơn nữa, lãi suất các khoản vay bảo lãnh tín dụng cao hơn so với các khoản vay thế chấp thông thường.
Bà Hoàng Thị Hồng- Giám đốc Quỹ phát triển DNNVV (SMEDF) cho biết, trong năm 2016 này, mục tiêu Quỹ hướng tới có thể giải ngân cho 200 DNNVV với nguồn vốn khoản 500 tỷ đồng.
Phòng Giám sát và Quản trị rủi ro của SMEDF thông tin, các DNNVV được vay số tiền vay tối đa là 30 tỷ đồng với thời hạn tối đa 7 năm, có thể xem xét lên đến 10 năm với trường hợp đáp ứng đủ yêu cầu đặt ra.
Theo đó, lãi suất đề ra cũng khá ưu đãi, 5,5%/năm cố định trong thời hạn vay cho khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) và 7%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn.
Quỹ bảo lãnh là một kênh tạo điều kiện cho DN phát triển kinh doanh, trong đó có việc tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, kế hoạch đề ra cho hoạt động là thế còn hiệu quả thực hiện như thế nào lại là vấn đề khác.
Tìm hiểu kỹ những điểm yếu khiến vốn không thể đến được DN mặc dù ngân hàng không thiếu tiền, ông Nguyễn Ngọc Hưng- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM nhận định: “Khó khăn lớn nhất cản trở Quỹ bảo lãnh đến với DNNVV là do thiếu niềm tin với nhau.
Ngân hàng không tin vào khả năng trả nợ của DN”. Với vai trò là đơn vị bảo lãnh tín dụng, ông Trần Bửu Long- Phó Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng TP.HCM cho rằng, rủi ro rất lớn trong việc cho vay vốn là ngân hàng sợ DN không trả được nợ.
Vì vậy, dù có chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNVVN nhưng vẫn có yêu cầu DN phải có tài sản đảm bảo. Đây là hàng rào ngăn cản Quỹ và DN gặp nhau. Chính vì lẽ đó mà 27 quỹ bảo lãnh của cả nước ở các tỉnh thành đang trong tình trạng “ngồi chơi, xơi nước”. Riêng Quỹ bảo lãnh TP HCM, từ năm 2015 đến nay không bảo lãnh được DN nào.
Để tháo gỡ nguồn vốn cho DNNVV, ông Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, chỉ có thể trông chờ vào Luật Hỗ trợ DNNVV xây dựng theo hướng có phương án hạn chế, giảm thiểu yêu cầu về tài sản bảo đảm đối với DNNVV.
Song song đó, cần có cơ chế phân chia rủi ro cho phía ngân hàng khi DNNVV gặp khó khăn. Còn bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt- Trưởng đại diện phía Nam Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân cho rằng, cần thiết tăng cường sự kết nối đồng bộ giữa Hiệp hội, Cơ quan bảo hiểm và Quỹ bảo lãnh thì mới giải quyết được vấn đề. Trường hợp chỉ có mình Quỹ bảo lãnh tín dụng đứng ra “chịu trận” thì không bao giờ vốn về đến tay DN khó khăn.