Cá chết ở Long Sơn không phải do xả thải

Bàiảnh:​ Đoàn Xá 17/10/2016 17:55

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, các nguyên nhân do ô nhiễm nước bởi việc xả thải của các nhà máy trong khu vực cũng có nhưng không phải là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

Cá chết ở khu vực Long Sơn vừa qua liên quan đến việc nhà máy xả thải.

Ngày 17/10, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá ở hàng loạt bè nuôi khu vực sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) chết là do môi trường sống thay đổi đột ngột.

Cụ thể, lượng oxy trong nước giảm đột ngột đồng thời với độ mặn trong nước ở khu vực nuôi cá bè tăng lên khiến cho cá chết hàng loạt.

Nguyên nhân của tình trạng này là do liên tục trong nhiều ngày trước thời điểm cá bị chết (ngày 13 đến 15/10) vừa qua, lượng mưa ở khu vực này luôn ở mức cao. Nước mưa ở nhiều nơi đổ về khu vực cửa sông quá lớn khiến lượng oxy trong nước thay đổi đột ngột song song với với độ mặn trong nước ở khu vực này cũng thay đổi theo. Hai nguyên nhân này khiến cho nhiều loại cá nuôi bị chết hàng loạt.

Ngoài ra, các nguyên nhân do ô nhiễm nước bởi việc xả thải của các nhà máy trong khu vực cũng có nhưng không phải là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

Giải thích cho kết luận trên, ông Cường nhấn mạnh là theo kết quả xét nghiệm thì cá chết là cá bớp và cá chim, đều sống ở tầng mặt, cần lượng oxy lớn. Vì thế, khi lượng oxy trong nước thay đổi khiến cá lập tức bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mức độ rủi ro cao.

Ngoài ra, khu vực nuôi cá ở là ven cửa sông đổ ra biển (nước lợ) nên chỉ cần những thay đổi rất nhỏ về môi trường nước cũng khiến cho các loài hải sản nuôi bị tác động mạnh.

Hơn nữa, mật độ nuôi cá của ngư dân trong các lồng cũng cao khiến cho những thay đổi về môi trường có ảnh hưởng tiêu cực đến vật nuôi. Ngoài cá chết ở khu vực lồng bè như cá chim, cá bớp thì hải sản tầng đáy, hai sản tự nhiên ở khu vực mặt nước trên không bị ảnh hưởng nhiều. Điều này cũng củng cố cho kết luận trên và cũng loại trừ nguyên nhân mặt nước bị ô nhiễm do xả thải như nghi vấn ban đầu của nhiều ngư dân.

Mặc dù vậy, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, dù nguyên nhân không phải do các nhà máy xả thải nhưng thiệt hại của ngư dân cũng hết sức nặng nề, lên đến nhiều tỷ đồng.

Vì vậy, lãnh đạo sở thay mặt tỉnh cho biết sẽ có những chính sách khoanh nợ, khuyến cáo các ngân hàng giãn nợ hoặc ưu đãi để giúp ngư dân ổn định đời sống. Về lâu dài, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ có biện pháp di dời, chấn chỉnh hoạt động nuôi cá lồng bè ở mức hợp lý để đảm bảo các hiện tượng cá chết hàng loạt gây thiệt hại không tiếp tục diễn ra.

Được biết, nghề nuôi hải sản (gồm các loại cá, tôm, hàu…) quanh khu vực xã đảo Long Sơn đã có từ khá lâu đời. Tuy nhiên, bắt đầu khoảng 6-7 năm gần đây xuất hiện tình trạng các lồng bè nuôi hải sản bị chết đột ngột không rõ nguyên nhân.

Điển hình là đợt cá chết năm 2015 ước hàng trăm tấn cá, thiệt hại chừng gần 20 tỷ đồng. Sau đó, thậm chí chính quyền tỉnh BRVT đã đóng cửa nhiều nhà máy, công ty có nghi vấn xả thải trong khu vực nhưng đến nay, tình trạng trên lại tiếp diễn, gây thiệt hại lớn cho ngư dân.

Bàiảnh:​ Đoàn Xá