Văn bản trái luật chưa có dấu hiệu giảm
Bộ Tư pháp đã kiểm tra 715 văn bản (79 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 636 văn bản của địa phương); kết quả bước đầu phát hiện 30 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Đây là những tồn tại đã được ông Đỗ Đức Hiển, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tư pháp, sáng 17/10.
Quang cảnh buổi họp báo.
Một trong vấn đề nổi cộm được Bộ Tư pháp đề cập là tình trạng cơ quan thi hành án dân sự không thi hành được bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án mà nguyên nhân là do ý thức tự nguyện thi hành án còn hạn chế, tình trạng không chấp hành án có chiều hướng gia tăng.
Cụ thể kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2016 (từ ngày 1/10/2015 đến ngày 30/9/2016): số vụ việc giải quyết xong trong số có điều kiện giải quyết là 530.428 việc, đạt tỷ lệ 78,53%; về tiền, đã giải quyết xong trong số có điều kiện giải quyết là 29.097 tỷ 865 triệu 317 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 33,74%.
Như vậy, so với chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014, năm 2016, hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành vượt chỉ tiêu được giao cả về việc (8,53%) và về tiền (3,74%).
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cơ quan thi hành án dân sự không thi hành được bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án đó là do ý thức tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án còn hạn chế, tình trạng không chấp hành án có chiều hướng gia tăng.
Điển hình có thể kể đến vụ việc của ông Bùi Văn Dần và bà Nguyễn Thị Hoan (trú tại khu 1, Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Theo nội dung Bản án tuyên, bà Hoan phải trả cho bà Dung số tiền 149.132.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án.
Do bà Hoan không tự nguyện thi hành án nên cơ quan thi hành án đã kê biên và bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của vợ chồng bà.
Sau khi bán đấu giá tài sản, do vợ chồng bà Hoan không tự nguyện giao tài sản nên cơ quan thi hành án dân sự đã cưỡng chế, giao tài sản cho ông Trần Đức Toàn (trú tại khu 5, Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), là người mua trúng đấu giá.
Tuy nhiên, tối cùng ngày, gia đình bà Hoan tái chiếm lại tài sản mà cơ quan thi hành án đã giao. “Mặc dù, các cơ quan Trung ương và địa phương đã giải quyết các khiếu nại, tố cáo của vợ chồng bà Hoan theo đúng quy định pháp luật, nhưng vợ chồng bà vẫn không chấp hành án.
Đặc biệt, ngày 15/4/2016, Tòa án nhân dân huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cũng đã xét xử ông Dần 04 tháng tù, bà Hoan 04 tháng tù treo về tội xâm phạm chỗ ở của công dân (tái chiếm đất của ông Toàn), nhưng đến nay, vợ chồng bà vẫn liên tục khiếu nại.
Liên quan tới công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, đại diện Bộ Tư pháp cho biết: Công tác xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được triển khai tích cực, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo dự thảo VBQPPL.
Trong Quý III-2016, các Bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 13 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội và 01 đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Bộ cũng đã kiểm tra 715 văn bản kết quả bước đầu phát hiện 30 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Trên cơ sở kết luận kiểm tra đối với 30 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật nói trên của Bộ Tư pháp, đến nay, có 07 văn bản đã được các Bộ, ngành và địa phương xử lý.
Liên quan đến thông tin người tù Huỳnh Văn Nén chỉ được TAND tỉnh Bình Thuận đưa ra mức bồi thường 2,6 tỷ đồng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Trần Việt Hưng cho biết: ông Nén sẽ được bồi thường những khoản như trợ cấp nuôi bố mẹ, con cái, chi phí suốt mấy năm vợ con đi kêu oan. Nhưng chi phí thăm nuôi, kêu oan mười mấy năm trời rất khó xác định, bởi theo luật hiện tại chưa quy định. Ngoài ra, xác định về thu nhập bị mất trong thời gian ông ngồi tù cũng rất khó, bởi ông là người nông dân, thu nhập không ổn định. |