10 địa phương xây dựng đô thị thông minh
Sau hơn một năm kể từ khi UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam”, hiện nay đã có 10 tỉnh, thành phố bước đầu bắt tay xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, coi phương thức phát triển đô thị thông minh là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình trong giai đoạn 10 năm tới.
Trung tâm TP Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chí Minh
Thành phố thông minh hay đô thị thông minh đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị.
TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố lớn nhất cả nước đã có Quyết định số 4693 ngày 8/9/2016 về thành lập Ban Điều hành thực hiện Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh” gồm 22 thành viên do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban.
Ngay sau khi có Quyết định 4693, ngày 9/9, Ban điều hành đề án đã họp bàn để triển khai nhiệm vụ quan trọng này. Tại đây, chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, thực tế của TP đang đòi hỏi phải ứng dụng các giải pháp của thành phố thông minh.
Đó là các ý tưởng thực tế để thực hiện 7 chương trình đột phá của TP. Do đó, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo TP trước hết phải thống nhất tư tưởng, có sự quyết tâm.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh dẫn ra nhiều câu chuyện: Nếu như không có sự quyết liệt của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (khi ấy là Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh- PV) thì không có công viên phần mềm Quang Trung như bây giờ. Không có quyết tâm đột phá như ông Năm Nghị (Phạm Chánh Trực) thì không có Khu công nghệ cao TP.
“Có những người có tư duy đột phá, chấp nhận khó khăn mới có thành quả như hôm nay. Cái gì chưa làm đã bàn lui là không được. Hãy xác định là phải làm, khó khăn tới đâu thì rút kinh nghiệm và kiên trì với nó. Đừng thấy nó lớn quá mà chùn bước”. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Để xây dựng thành phố thông minh, UBND TP HCM và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) ký thỏa thuận hợp tác Tư vấn khung về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong xây dựng và triển khai đề án “Xây dựng TP HCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” vào ngày 29/9. Hiện nay, thành phố đang trong quá trình tìm kiếm Tư vấn nước ngoài, trong đó Ban điều hành đã có buổi làm việc với Microsoft để đàm phán về vấn đề này.
Theo dự kiến đến ngày 21/11/2016, dự thảo lần 1 của đề án sẽ được công bố lấy ý kiến của người dân, hội đồng tư vấn, doanh nghiệp, các hội. Ngày 15/12/2016, TP HCM sẽ hoàn chỉnh đề án chi tiết về việc xây dựng “Thành phố thông minh” để UBND thành phố phê duyệt và công bố.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khảo sát mô hình
trung tâm hành chính công tại TP Đà Nẵng.
Đà Nẵng
Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố đáng sống cũng đã có quyết định rất nhanh nhạy khi quyết tâm xây dựng thành phố thông minh. Ngày 25/3/2014 Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký Quyết định 1797 phê duyệt Đề án Xây dựng thành phố thông minh hơn tại Đà Nẵng giai đoạn 2014 - 2020.
Mới đây, làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục gợi ý địa phương này có đủ các điều kiện để triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh với đòi hỏi trước hết phải làm sao để mỗi người dân là một “cảm biến xã hội”.
Người đứng đầu Mặt trận đã dành hẳn một chuyên đề riêng cho Đà Nẵng với một chiến lược dài hạn mà ở đó là những đề xuất, trăn trở làm sao Đà Nẵng có được một chính quyền thông minh. Chính quyền thông minh phải kết nối được với những công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh.
Những tình cảm, góp ý chân thành, khoa học của người đứng đầu Mặt trận đã tiếp thêm động lực cho Bí thư thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh khi ông khẳng định, Đà Nẵng sẽ quyết tâm trở thành thành phố thông minh.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng thành phố thông minh hơn tại Đà Nẵng do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng làm Trưởng Ban.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu cho UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn tại Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020 trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung nội dung Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn tại Đà Nẵng được phê duyệt tại Quyết định 1797.
Mới đây nhất, UBND thành phố Đà Nẵng và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã ký kết Biên bản ghi nhớ về xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng. Đơn vị tư vấn nước ngoài được chọn là Tập đoàn IBM.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chào mừng các đại biểu quốc tế
đến dự hội thảo quốc tế “Xây dựng thành phố Cần Thơ
phát triển thành đô thị thông minh”.
Cần Thơ
Xây dựng và phát triển đô thị thông minh là xu hướng mới của các đô thị lớn trên thế giới đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Cần Thơ, một trong 5 thành phố lớn nhất cả nước sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn nếu như thành phố này vận hành tốt việc xây dựng đô thị thông minh.
Đó là mong muốn của không chỉ riêng người đứng đầu Mặt trận tổ quốc Việt Nam mà còn là quyết tâm của cả hệ thống chính trị Cần Thơ khi thành phố này đang xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh.
Trước đó, ngày 12/9, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo quốc tế “Xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh”.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị 10 điểm mấu chốt để sớm đưa TP Cần Thơ xây dựng thành công thành phố thông minh. Đó là, Thành uỷ Cần Thơ ban hành Nghị quyết về xây dựng Thành phố Cần Thơ thông minh giai đoạn 2016-2025; Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố; Quy hoạch thông minh; Quản lý giao thông thông minh; Quản lý môi trường thông minh; Chính quyền thông minh - doanh nghiệp thông minh; Chính quyền thông minh - công dân thông minh; Công dân thông minh - dịch vụ thông minh; Nông nghiệp thông minh; Quản lý trật tự - trị an thông minh.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống khẳng định, đây là nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi sự thống nhất trong quan điểm chỉ đạo và quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Thành phố Huế.
Thừa Thiên - Huế
Còn nhớ, vào hồi đầu tháng 12/2015, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời điểm mà hơn nửa năm trước khi thành phố Huế được công nhận danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia” do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới bầu chọn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã từng ghi nhận những nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc xây dựng đô thị thông minh.
Một đô thị thông minh mà ở đó “phải làm sao để mỗi người dân là một cảm biến xã hội” vừa là mục tiêu vừa là động lực để hướng tới việc xây dựng chính quyền hiện đại phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân.
Hiện nay, chưa có một định nghĩa hay khái niệm cụ thể nào cho “đô thị thông minh” nhưng việc xây dựng một “thành phố thông minh” hay đô thị thông minh đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị.
Thành phố thông minh là nơi ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng. Con người thực sự được “giải phóng”, được hỗ trợ không gián đoạn bởi công nghệ.
Cho đến thời điểm này UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đang phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc ( Koica ) xây dựng dự án quy hoạch chung thành phố Huế thông minh (Huế U-City).
Phú Quốc- Kiên Giang có thể trở thành thành phố thông minh đầu tiên ở Việt Nam.
Phú Quốc, Kiên Giang
Với vị thế đặc biệt và cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, Phú Quốc là địa điểm rất thích hợp để trở thành thành phố thông minh. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hoàn toàn có thể đáp ứng xây dựng thành phố thông minh tại Phú Quốc.
Ngày 29/9/2016, UBND Tỉnh Kiên Giang và VNPT đã tổ chức Hội nghị xây dựng và triển khai đề án thành phố thông minh Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tại huyện Phú Quốc.
Tại hội nghị, hai bên đã thống nhất cần thiết phải xây dựng thành phố thông minh Phú Quốc để giải quyết những vấn đề của đô thị hoá hiện nay, như vấn đề mật độ dân số; sự lạc hậu, quá tải về hạ tầng; vấn đề cạnh tranh kinh tế giữa các vùng, quốc gia và những đòi hỏi ngày càng tăng cao về chất lượng cuộc sống…
Các đại biểu đã trao đổi, thống nhất và đề ra phương án đưa đề án huyện đảo Phú Quốc trở thành thành phố thông minh vào hoạt động, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế.
Trong lộ trình xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố thông minh, có 4 giai đoạn. Cụ thể : Bước đầu triển khai hạ tầng mạng, công nghệ thông tin và triển khai các dịch vụ cơ bản. Sau đó, Phú Quốc sẽ tập trung xây dựng Trung tâm vận hành tập trung và triển khai thêm các dịch vụ thông minh, và cuối cùng là xây dựng thành phố ngày càng thông minh theo xu hướng trên thế giới và Việt Nam.
Trong năm 2016 VNPT sẽ triển khai các dịch vụ cơ bản nhất, phục vụ nhu cầu thiết yếu của Phú Quốc như xây dựng Chính quyền điện tử, hệ thống Smart Wifi và xây dựng hệ thống giám sát môi trường.
Thành phố Đà Lạt.
Đà Lạt, Lâm Đồng
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020 đã xác định nhiệm vụ: “Xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, hội nghị, hội thảo và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa quốc gia”.
Với mục tiêu như trên và trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung và cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, phát biểu tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định, việc xây dựng thành phố Đà Lạt thành một thành phố thông minh là cần thiết và hoàn toàn khả thi vì xây dựng các thành phố thông minh là xu hướng phát triển mới, tất yếu của các đô thị trên thế giới từ hơn 10 năm nay.
Mới đây, trong chuyến làm việc tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ công bố cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt theo Quyết định 1528/QĐ-TTg ngày 3/9/2015 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng năm 2016.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu Thành phố Đà Lạt cần có quy hoạch tốt, xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm hội nghị, nông nghiệp công nghệ cao.
Theo đó, ngày 13/9/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng (Khóa X) đã ban hành Nghị quyết 03 về phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030.
Ngày 7/10/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về đề án xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh.
Theo nội dung thỏa thuận hợp tác về Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh”, VNPT sẽ thực hiện nhiều nội dung như Xây dựng Đề án với nội dung, phương pháp khảo sát tình hình thực tế các lĩnh vực đô thị liên quan đến đô thị thông minh của TP. Đà Lạt; Xây dựng khung kiến trúc tổng thể đô thị thông minh gồm kiến trúc khung công nghệ ICT và khung giải pháp đô thị thông minh cho TP Đà Lạt, đảm bảo nguyên tắc tất cả các giải pháp về đô thị thông minh của các đơn vị công nghệ trong và ngoài nước đều có thể triển khai trên nền khung kiến trúc này.
Ngoài ra, VNPT sẽ hỗ trợ, đảm bảo hạ tầng ICT cho các ứng dụng ICT của đô thị thông minh cho tỉnh Lâm Đồng đồng thời VNPT sẽ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ viễn thông và CNTT cho tỉnh Lâm Đồng.
Bình Dương
Bình Dương cũng đang có những bước đi đầu tiên để chuẩn bị cho lộ trình xây dựng thành phố thông minh.
Từ ngày 26 đến 28/3/2016, UBND tỉnh Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC và Tập đoàn Brainport (Hà Lan) tổ chức Hội nghị “Thành phố thông minh Bình Dương”.
Vào trung tuần tháng 9, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chủ trì cuộc họp để nghe Tập đoàn Braintport (Hà Lan) phối hợp với Tổng Công ty Becamex IDC thuyết minh Đề án “Xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương” dựa trên mô hình của thành phố Eindhoven.
Thành phố Hải Phòng.
Hải Phòng
Ngày 19/9/2016, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Hải Phòng phải trở thành thành phố thông minh”.
Từ ngày 17/7/2014, Quyết định 1566 đã phê duyệt về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về phát triển viễn thông và công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng đến năm 2020; Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ, giải pháp phát triển viễn thông và công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng đến năm 2020. Kế hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố mạnh về viễn thông và công nghệ thông tin, ứng dụng hiệu quả vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng, từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố thông minh.
Và mới đây nhất, ngày 05/8/2016, Hải Phòng đã công bố đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 xây dựng Cát Hải thành “Đảo thông minh”.
Thanh Hóa
Ngày 28/8/2016, Ban Thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Giải pháp tổng thể xây dựng mô hình thành phố thông minh cho tỉnh Thanh Hóa”.
Tiếp đến, ngày 21/9/2016, lãnh đạo UBND tỉnh nghe Sở Xây dựng báo cáo dự thảo Kế hoạch xây dựng mô hình thành phố thông minh hướng đến xây dựng thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn và các đô thị động lực trở thành thành phố thông minh.
Dự thảo kế hoạch xây dựng thành phố thông minhdo Sở Xây dựng trình bày nêu rõ mục tiêu xây dựng TP Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn và các đô thị động lực của tỉnh trở thành thành phố thông minh, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý đô thị, từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân, phát triển các TP thuộc tỉnh Thanh Hóa theo định hướng TP thân thiện với môi trường, TP đáng sống, phát triển bền vững; góp phần làm tăng sức hấp dẫn của tỉnh để thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Quảng Ninh
Ngày 6/8/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế AIC tổ chức Hội thảo đổi mới và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, áp dụng mô hình thành phố thông minh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định, mô hình thành phố thông minh đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới nhưng vẫn còn là mô hình mới đối với Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh. Về định hướng phát triển đô thị, Quảng Ninh xác định mục tiêu xây dựng hệ thống đô thị theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp xu hướng chung của thế giới.
Ông Nguyễn Đức Long cũng yêu cầu các sở, ngành địa phương trên cơ sở nôi dung hội thảo sớm tham mưu với tỉnh các giải pháp cụ thể để triển khai xây dựng mô hình thành phố thông minh, đặc biệt tại các thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái.
Từ năm 2015, MTTQ Việt Nam với vai trò giám sát, phản biện của mình, đã phối hợp với các bộ, ngành và các chuyên gia của một số quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore tổ chức hội thảo quốc tế về đô thị thông minh nhằm làm rõ những nhu cầu, khả năng của Việt Nam khi triển khai đô thị thông minh vì đô thị thông minh là xu hướng quản lý các đô thị trên thế giới nhằm giải quyết hiệu quả nhất những vấn đề trong phát triển đô thị nhằm có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp và phát huy vai trò làm chủ của người dân. Xuất phát từ yêu cầu của các địa phương trong triển khai đô thị thông minh, thời gian qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu nhiều đoàn công tác của trung ương làm việc với các bộ, ngành và khảo sát một số địa phương như TP Huế (tỉnh Thừa Thiên- Huế), Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ trong việc triển khai xây dựng đô thị thông minh. |