Phát hiện cháu bé mắc chứng đầu nhỏ nghi nhiễm virus Zika
Đối với trường hợp cháu bé 4 tháng tuổi mắc chứng đầu nhỏ nghi nhiễm virus Zika, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, có thể có nhiều nguyên nhân khác như trẻ mắc Rubela, nhiễm trùng, nhiễm độc, giang mai…
Em H’Lệ Mlô (4 tháng tuổi) mắc chứng đầu nhỏ nghi nhiễm virus Zika.
Chiều 18/10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 10.838 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 2 trường hợp tử vong tại TP Buôn Ma Thuột.
Số mắc ghi nhận tại các huyện, thị xã, thành phố tập trung chủ yếu ở TP Buôn Ma Thuột, các huyện Ea H’leo, Buôn Đôn.
Số mắc tăng 7,5 lần so với cùng kỳ năm trước bệnh gia tăng từ tháng 6, tháng 7 và tăng cao trong tháng 8, 9, 10.
Đặc biệt, mới đây, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk phát hiện một trường hợp trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ nghi nhiễm virus Zika là em H’Lệ Mlô (4 tháng tuổi), con chị H’Blươn Mlô, ở buôn TLan, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk.
Cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành lấy mẫu gửi đi làm các xét nghiệm ban đầu.
Được biết, khi sinh ra thì em bé sơ sinh này đã mắc chứng đầu nhỏ, tuy nhiên để khẳng định trẻ nhỏ này có nhiễm virus Zika hay không thì đang phải chờ kết quả xét nghiệm.
Liên quan đến trường hợp này, sáng ngày 18/10, đoàn công tác gồm Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã triển khai điều tra ca bệnh, giám sát tại nơi bệnh nhân sinh sống.
Được biết, trước đó, chị H’Blươn Mlô, mang thai 3 tháng có triệu chứng phát ban toàn thân, đau đầu, mệt mỏi, được điều trị tại phòng khám tư nhân.
Đến tháng 6/2016 chị H’Blươn sinh bé H’Lệ tại bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ.
Ngày 8/9, sau khi phát hiện bé H’Lệ Mlô có triệu chứng đầu nhỏ chị H’Blươn Mlô và gia đình đã đưa cháu bé đi khám tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk và sau đó chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục điều trị. Tại đây, bé H’Lệ Mlô được chuẩn đoán bị chứng đầu nhỏ.
Trong quá trình mang thai chị H’Blươn không đi nước ngoài, cũng như các tỉnh thành trong nước có bệnh nhân mắc Zika.
Sau khi điều tra bệnh, Cục Y tế dự phòng đã hướng dẫn người nhà cách điều trị, chăm sóc bé H’Lệ Mlô, tiếp tục lấy mẫu nước tiểu những người thân trong gia đình để tiến hành làm xét nghiệm, chẩn đoán.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đầu nhỏ như trẻ mắc Rubela, nhiễm trùng, nhiễm độc, giang mai…
“Đối với trường hợp của em H’Lệ Mlô chúng tôi tiếp tục lấy mẫu phối hợp với Đại học Nagasaki Nhật Bản xét nghiệm”, ông Phu cho biết.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk chiều nay, ông Phu đề nghị, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường, giám sát phòng chống sốt xuất huyết, Zika theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng; tổ chức phun hóa chất, khoanh vùng nơi dập dịch; vận động người dân tự diệt muỗi, loang quang bọ gậy ở những nơi muỗi sinh sản nhiều như lốp xe, lọ, bình; theo dõi tuyên truyền cho phụ nữ có dự định mang thai, phụ nữ có thai thực hiện triệt để các biện pháp phòng bệnh như mặc áo dài tay, mua kem chống muỗi…
Đề nghị các bà mẹ mang thai cần đi khám theo dõi thai nhi thường xuyên, khi phát hiện có dị tật, nghi vấn do virus Zika cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý.