Thứ trưởng Công Thương: Quy trình xả lũ Thủy điện Hố Hô chưa nghiêm ngặt

Hạnh Nguyên 18/10/2016 17:54

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, quy trình xả lũ của nhà máy Hố Hô thực hiện chưa đầy đủ, nghiêm ngặt.

Hình ảnh thủy điện Hố Hô xả lũ ngày 16/10.

Ngày 18/10, Đoàn công tác điều tra việc xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp rang giữa huyện Hương Khê, Hà Tĩnh với Tuyên Hóa, Quảng Bình) do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo nhà máy thủy điện Hố Hô và chính quyền huyện Hương Khê cùng các xã vùng hạ du bị ảnh hưởng bởi đợt lũ vừa qua.

Quy trình xả lũ còn nhiều bất cập

Trong 2 ngày 17 và 18/10, Đoàn công tác đã chia thành 3 nhóm để khiểm tra việc thực hiện các quy trình xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô.

Nhóm 1 kiểm tra việc tuân thủ quy trình vận hành của nhà máy, nhóm 2 kiểm tra công tác phòng chống lụt bão, nhóm 3 kiểm tra việc phối hợp giữa nhà máy với địa phương.

Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), qua kiểm tra các hồ sơ giấy tờ liên quan, trong giai đoạn đầu từ ngày 13 đến trưa 14/10 lũ thấp, nhà máy vận hành hạ mực nước để đón lũ, việc này đạt yêu cầu.

Từ chiều 14 đến đêm 14/10, lũ lên nhanh đột ngột, theo dõi báo cáo lưu lượng đến của phía đập tràn, thì trong 5 tiếng lũ tăng 4 lần, từ 550 lên 1.843 m/s. Lũ lên rất nhanh.

Nguyên tắc vận hành là lưu lượng xả ít hơn lưu lượng nước đến, do tình huống bất ngờ, có sự việc sạt lở bên vai phải đập, mưa sạt một khối tương đất đá tương đối lớn nguy cơ phá vỡ tường chắn, tràn đến trạm biến áp diezen, tình huống này nếu mất điện toàn bộ nhà máy thì nguy cơ không mở được cửa van. Khi đó, nhà máy quyết định hết cở van cửa xả tràn.

“Chúng tôi cho rằng quyết định đó phù hợp, nếu ko mở, không biết lũ lên bao lâu nữa, mất điện mà khối trượt còn đổ xuống thì còn nguy hiểm hơn, cho nên việc mở cửa van như vậy là phù hợp”, ông Quân khẳng định.

Thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ khiến người dân bức xúc.

Ông Quân cũng chỉ rõ: Giả sử ko có tình huống sạt trượt, vẫn duy trì cửa van mở dần dần thì lượng nước trong hồ giảm không nhiều, khoảng 200 m3/s thôi. Trong tình huống đặc biệt thế việc mở hoàn toàn cửa van là chấp nhận được, phòng khi không biết lũ lên nữa hay không, phải đặt mình vào tình huống ấy, không mở được cửa van thì nguy hiểm. Mặc dù không được hay lắm về mặt xả lũ nhưng về mặt an toàn thì chấp nhận được.

Các thành viên trong đoàn công tác còn chỉ ra những bất cập trong quy trình vận hành xả lũ của Nhà máy Hố Hô như vấn đề phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân chưa được chặt chẽ; việc diễn tập phòng chống lụt bão trước mùa mưa lũ mới chỉ thực hiện ở nhà máy, chưa có người dân địa phương tham gia; công tác kiểm tra trước mùa lũ chưa chi tiết, không kiểm tra kỹ và không lường trước được những tình huống nguy hiểm có thể xẩy ra.

Trong ngày 10/10 và 12/10, nhà máy đã có công văn báo cáo Ban PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình, tỉnh Hà Tĩnh và 2 huyện Hương Khê và Tuyên Hóa nhưng văn bản báo cáo nặng về vận hành hơn là cảnh báo nguy cơ lũ lụt.

Cần xem lại hiệu quả của nhà máy

Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê khẳng định: Tại thời điểm lũ lụt, nhà máy có thể tích được đến cao trình 70 m. Quy trình xả lũ là lượng nước về luôn luôn nhỏ hơn hoặc bằng lượng nước ra. Nhưng thực tế nước xả của nhà máy lại nhiều hơn lượng nước về.

“Tại thời điểm 16h ngày 14/10, công ty có thông báo cho Phó chủ tịch huyện, mực nước xả lúc đó là 1.500 m3/s. Đến 19h30, công ty báo xuống là lượng nước về là 1.400 m3/s nhưng lượng nước xả là 1.700 m3/s nhưng các đồng chí phòng nông nghiệp lên kiểm tra thì thấy là 1.843 ms/s, xả 1 tiếng là hơn 7 triệu m3”.

Hồ chứa nước thủy điện Hố Hô dung tích tối đa chỉ được 6 triệu m3, hồ không có khả năng cắt lũ.

Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê đề nghị Bộ Công thương xem lại hiệu quả nhà máy thủy điện Hố Hô.

“Đồng chí giám đốc có nêu lúc đó có sự cố sạt lở ở bờ vai phải của đập, đáng ra mình phải kiểm tra kĩ trước khi lũ về, thực tế đó là bãi đất, khi xả thời điểm đó mưa rất to, kể cả trời không mưa thì bãi đất đó cũng sạt lở. Khi tôi gọi điện lên nhà máy, yêu cầm giảm lượng nước xả để đảm bảo an toàn cho bà con vì cao trình cho phép duy trì 70 m, ngưỡng tràn là 72 m thì đồng chí Tuấn nói ko thể giảm lượng xả được. Đề nghị các đồng chí phải xem xét kĩ các sự cố. Vì nếu vỡ đập nguy hại lớn hơn, nhưng vai tràn bị sạt lở này ở trên đỉnh núi chứ không phải ở dưới mép đập”. “Rõ ràng quy trình đâu đó vẫn còn sơ suất của nhà máy. Xả tràn là phải xả trước mưa. Mưa rồi mới xả thì càng thêm đầy nước”, ông Huấn nhấn mạnh.

Ông Huấn đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cần xem lại hiệu quả của Nhà máy thủy điện Hố Hô. Bởi đây là nhà máy nhỏ, có 14 MW, sản lượng điện 56 triệu KW/năm, doanh số khoảng 60 tỷ/năm. Nếu vận hành không tốt, gây ra sự cố, lỗi do Hố Hô, rõ ràng với khả năng của Hố Hô thì ko thể khắc phục được.

“Nếu đây là công trình đa mục tiêu, có chức năng chống lụt thì người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Phải làm thế nào để đảm bảo được an toàn trong tương lai chứ để như hiện tại thì tôi thấy không ổn”, ông Huấn nói.

Cùng chung quan điểm, ông Đinh Hữu Tân, Bí thư huyện ủy Hương Khê nêu rõ: Tôi đồng tình là đợt lũ này lên nhanh với lượng mưa đột biến nhưng trong đó vẫn có yếu tố xả lũ của nhà máy thủy điện.

1h sáng 15/10 nước ở cao trình 16,54 m nhưng đến khoảng 10h sáng đoàn của Chủ tịch tỉnh và huyện lên kiểm tra, trong đó có tôi, lúc đó chỉ còn 6,4 m, nghĩa là trong đêm, nhà máy đã xả hết một lượng nước lớn, dân không ngập lụt mới là lạ.

Qua sự việc này cho thấy việc phối hợp giữa hai bên chưa tốt, trách nhiệm của cả 2 bên. Để khắc phục được những bất cập của nhà máy thì cần phải có phương án tìm kênh thoát khác cho lòng hồ này, nếu không có kênh phụ chảy ra thì không thể khắc phục được.

Nhà máy phải hỗ trợ, giúp đỡ người dân

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ với những khó khăn mà người dân Hương Khê gặp trong đợt mưa lũ vừa rồi.

“Sáng nay chúng tôi có đi thăm, trao đổi với một số hộ dân, người dân nói đợt lũ này về quá nhanh. Từ khi nhận tin nhà máy thủy điện xả lũ thì 30 phút sau lũ về đến nhà rồi. Thời gian ngắn như vậy người dân không kịp di dời tài sản, thậm chí không đi đến chỗ an toàn hơn mà phải leo lên gác nhà để tránh lũ. Cho dù lý do như thế nào, do khách quan hay chủ quan, do tự nhiên hay con người thì trước cảnh đó chúng ta đều rất đau lòng, là điều không ai mong muốn”, Thứ trưởng chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng kết luận tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhận định, nhà máy thủy điện Hố Hô thực hiện công tác kiểm tra đánh giá trước mùa mưa lũ chưa tốt, chưa duy tu bảo dưỡng đường lên nhà máy, trạm diezen bố trí chưa hợp lí, chưa chú trọng đến việc sạt lở ở vai phải nhà máy, công tác kiểm tra, đánh giá, bảo đảm an toàn công trình trước mùa mưa lũ làm chưa tốt.

Công ty thủy điện Hố Hô chưa chấp hành triệt để quy trình xả lũ.

“Thứ nhất như anh Huấn, anh Tân có nói, đáng lẽ trong trường hợp khẩn cấp phải báo cáo chủ tịch - Trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh và huyện. Đối với những xã vùng hạ du có gọi điện thông báo nhưng không liên lạc mà không có phương án nào khác để thông báo cho người dân. Nhà máy cần rút kinh nghiệmm việc phối hợp giữa nhà máy và địa phương chưa tốt”.

Thứ trưởng Vượng đề nghị thời gian tới Công ty thủy điện Hồ Bốn và Tổng công ty điện lực miền Bắc phối hợp chặt chẽ với địa phương, hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng hạ du vượt qua khó khăn.

Địa phương và nhà máy Hố Hô phải xây dựng quy chế phối hợp trong mưa lũ, khi xả lũ khẩn cấp, làm sao việc này phải được người dân ở các xã biết. Phải tăng cường trang bị cho các xã ở hạ du những phương thức cảnh báo. Ngay sau đợt mưa lũ này, cái gì khắc phục ngay phải khắc phục, nếu không thì thời gian tới phải có kế hoạch cụ thể. Đề nghị Tổng cục năng lượng trên cơ sở đánh giá hôm nay, rà soát nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành hồ chứa.

“Hậu quả ngập lụt mưa lũ gây ra không ai mong muốn. Cơn lũ qua đi hậu quả còn đó, đề nghị chủ đầu tư phối hợp địa phương hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Đây là bài học lớn, phải đảm bảo an toàn cho người dân ở hạ du là trên hết”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng tại buổi làm việc, Tổng công ty điện lực miền Bắc đã trao 500 triệu đồng 500 thùng mỳ tôm hỗ trợ người dân vùng hạ du bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt này.

Hạnh Nguyên