EU lo ngại chiến binh thánh chiến từ Iraq đổ về châu Âu

18/10/2016 20:23

Cuộc tấn công lớn dưới mặt đất nhằm tái chiến lại thành phố Mosul của Iraq từ tay phiến quân IS có thể đẩy “những kẻ phiến quân bạo lực” trở về châu Âu, nơi mà thậm chí chỉ một số lượng nhỏ phiến quân tràn vào cũng có thể gây nên một mối đe dọa rất nghiêm trọng, một quan chức an ninh EU lên tiếng cảnh báo.

Chiến trận lớn ở Mosul có khả năng đẩy chiến binh thánh chiến trở về châu Âu. (Nguồn: Reuters).

Ông Julian King, một nhà ngoại giao Anh và là vị Cao ủy An ninh mới được chỉ định của Liên minh châu Âu (EU), nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Die Welt của Đức rằng những kẻ thánh chiến người Hồi giáo có thể dễ dàng trở về các nước sở tại của chúng ở châu Âu với các tấm thẻ căn cước giả mạo.

“Tái chiếm lại thành trì của phiến quân IS ở khu vực miền Bắc Iraq có thể dẫn tới một viễn cảnh đáng sợ, trong đó những kẻ phiến quân sẽ trở về châu Âu” - ông King nói trong buổi phỏng vấn trên - “Đây là một mối đe dọa nghiêm trọng và chúng ta cần phải chuẩn bị để đối mặt với nó”.

Theo một số báo cáo của EU, có khoảng 2.500 công dân của khối này hiện đang chiến đấu sát cánh IS ở vô số các điểm nóng thuộc khu vực Trung Đông. “Các trường hợp tương tự của Afghanistan đã cho thấy rằng chỉ có số lượng ít những chiến binh nước ngoài trở về khi cuộc chiến ở đó kết thúc, bởi phần lớn đã bị chết trong chiến sự hoặc tìm đến một vùng chiến sự khác”, ông King nhận định.

Dù viễn cảnh làn sóng chiến binh IS đổ về châu Âu sau sự sụp đổ của Mosul khó có thể xảy ra, nhưng mối đe dọa này không nên bị đánh giá thấp bởi chỉ cần “một số lượng nhỏ các chiến binh thánh chiến này cũng đã gây ra mối đe dọa lớn”, theo ông King.

Lời cảnh báo đối với EU xuất hiện trong lúc chiến dịch giải phóng Mosul - thành phố lớn thứ hai của Iraq và được coi là thành trì của IS trên lãnh thổ nước này - đã bước vào ngày thứ hai trong hôm 18/10.

Hôm 17/10, Thủ tướng đồng thời là Tổng Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Iraq Haider al-Abadi chính thức phát động tổng tấn công nhằm giành lại kiểm soát thành phố Mosul ở miền Bắc Iraq từ IS. Nếu chiến dịch tái chiếm Mosul thành công, lực lượng chính phủ Iraq có thể thu hồi một nửa diện tích mà IS đã chiếm giữ ở miền Bắc nước này kể từ tháng 6/2014 đến nay.

Thành phố Mosul cách thủ đô Baghdad 400 km về phía Bắc và cũng thành phố cuối cùng tại Iraq vẫn nằm dưới sự kiểm soát của IS. Hiện vẫn còn khoảng 1,5 triệu người đang mắc kẹt tại Mosul.

Phiến quân IS đã đánh chiếm được Mosul từ hồi tháng 6/2014 từ tay lực lượng quân đội chính phủ và thủ lĩnh của tổ chức này sau đó đã biến nó thành một thành trì quân sự lớn của chúng. Người ta tin rằng hiện có khoảng từ 4.000 - 8.000 tay súng của IS đang cố thủ trong thành Mosul.

Trong lúc các tổ chức nhân đạo nói rằng, họ dự kiến sẽ có “hàng trăm nghìn” người dân địa phương tháo chạy khỏi thành phố này, một số hãng truyền thông khác cho hay có hàng nghìn binh sỹ IS cũng đang nhân tình trạng hỗn loạn để trốn thoát an toàn khỏi thành phố Mosul.

Hôm thứ Tư tuần trước, một quan chức quân sự-ngoại giao của Nga nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng có “trên 9.000 tay súng của IS có cơ hội thoát khỏi Mosul và được tái triển khai ở các khu vực miền Đông của Syria để thực hiện một chiến dịch tấn công lớn”.

Nhưng dù tương lai có ra sao, việc quan trọng ở hiện tại mà EU nên làm là thắt chặt an ninh ở các đường biên giới của họ. “Hiện nay, việc qua mặt các trạm kiểm soát biên giới EU là quá dễ dàng, chỉ cần có các tài liệu giả mạo”, ông King cho hay.

Phần lớn trong nỗ lực này đều phụ thuộc vào hành động của các cơ quan kiểm soát biên giới của EU, ông King cho hay, thêm rằng Brussels đang chú trọng vào việc tăng cường khả năng phát hiện những kẻ thánh chiến, khủng bố cố gắng thâm nhập vào các nước trong khối.

“Chúng ta cũng nên kiểm tra nơi sinh và giấy đăng ký kết hôn, các tài liệu cần có để nhận được thẻ căn cước. Sẽ là vô ích nếu chỉ kiểm tra chéo thông qua hộ chiếu bởi nó có thể mang thông tin giả” - ông King nói.

Hiện nay vẫn còn rất nhiều câu hỏi liên quan tới tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát này, sau khi hàng loạt các vụ tấn công khủng bố đã xảy ra ở Pháp, Bỉ và Đức trong năm 2015 và 2016; trong đó phần lớn những kẻ khủng bố có nguồn gốc bên ngoài châu Âu, một số kẻ giả làm người di cư để thâm nhập trong khi kẻ khác là công dân của EU nhưng trước đây từng có nguồn gốc người nhập cư.