Sửa luật - chưa cấp thiết chưa trình ra Quốc hội
Ngày 18/10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp thứ 2 UBTVQH khóa XIV.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, hồ sơ chưa đảm bảo pháp lý, cần lấy ý kiến chuyên gia để nghe ý kiến nhiều chiều. Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân vân, trước kia ta bảo cản trở thì bỏ bớt đi một số ngành nghề, bây giờ lại bổ sung thêm 12 ngành nghề thì như thế nào.
Bày tỏ băn khoăn về tính cấp thiết của Luật, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ rõ: luật bổ sung đối tượng không được hưởng ưu đãi với các dự án nhà ở thương mại, kinh doanh để bán. Lý do sửa không có gì mới vì cách đây 2 năm vấn đề này đã trình ra Quốc hội rồi. Tháo gỡ cho doanh nghiệp nhưng phải tuân theo đúng trình tự, trong khi nêu cấp thiết mà không có gì rõ ràng.
Cùng chung quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Tôi là người ủng hộ ra luật này để tháo gỡ sản xuất kinh doanh, nhưng như thế này thì có gì đâu mà tháo gỡ. Chủ yếu là thủ tục hành chính chứ có phải nhà cháy chết người đâu. Biển quảng cáo nhỏ được miễn giấy phép cũng không phải vấn đề cháy nhà chết người. Không có cái nào để thúc đẩy đầu tư kinh doanh. Tôi không yên tâm khi đưa luật này trình ra Quốc hội”.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục đích xây dựng dự thảo luật xuất phát từ chủ trương của Chính phủ mới là tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách thông thoáng để cạnh tranh với các nước trong khu vực, thu hút nước ngoài vào đầu tư. Trước nhu cầu như thế, Thủ tướng yêu cầu rà soát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cho nên cần trình Quốc hội các vấn đề khó khăn để tháo gỡ và xin thông qua trong một kỳ họp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
“Chưa sửa thì không cháy nhà chết người gì cả, nhưng sửa được thì tốt cho doanh nghiệp, mong Quốc hội thông qua”- ông Dũng nói.
Qua thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chưa trình dự luật này ra kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV và đề nghị Chính phủ hoàn thiện lại hồ sơ. Riêng với danh mục bỏ 36 ngành nghề, điều kiện kinh doanh, Thường vụ Quốc hội yêu cầu nếu Uỷ ban Kinh tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, thống nhất kịp thì sẽ đưa ra trình tại kỳ họp 2 Quốc hội sẽ khai mạc ngày 20/10.