Công bố hoang mang
Trong khi thông tin: nước mắm công nghiệp mà bản chất là “nước + hóa chất (khoảng 17 loại hóa chất) còn đang gây nên sự băn khoăn, lo lắng lớn trong dư luận, khiến Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp cùng Bộ Công thương và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ, trả lời để nhân dân biết và báo cáo Thủ tướng.
Giữ gìn và bảo vệ thương hiệu cho nước mắm chất lượng.
Trong khi người dân còn chưa biết hết thực hư: nước mắm công nghiệp, độc hay không độc? tác động thế nào đến sức khỏe người dùng thì Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng (VINATAS) bồi thêm một thông tin gây sốc. Một cú sốc thực sự, gây hoang mang cho người tiêu dùng: “Nước mắm có độ đạm càng cao thì càng độc”.
Sau khi tiến hành “khảo sát” trên phạm vi 10 tỉnh thành phố trong cả nước đối với sản phẩm nước mắm đóng chai bán trên thị trường, VINASTAS khẳng định: Khoảng 67% mẫu nước mắm được khảo sát không đạt chỉ tiêu hàm lượng arsen (thạch tín) an toàn theo quy định của Bộ Y tế, dao động từ 1-5mg/lít.
Hội này không nói rõ đó là hàm lượng arsen gì mà chỉ bổ sung: Khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều “không phát hiện có arsen vô cơ” (với giới hạn cho phép là 0,01mg/lít). Điều đáng chú ý, theo VINASTAS, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao có hàm lượng arsen vượt ngưỡng an toàn cho phép càng tăng.
Cụ thể, có đến 95,65% số mẫu được khảo sát có hàm lượng đạm từ 40% trở lên có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định. Hội này tuyệt nhiên không công khai danh tính đơn vị vi phạm cũng như đơn vị xét nghiệm các chỉ tiêu hóa học nói trên là đâu, có thẩm quyền đáng tin cậy ra sao.
Với một “mớ” thông tin “tù mù” này, người dân có thể hiểu nhầm: Trên thị trường hiện nay đang có một “thảm trạng”: nước mắm có độ càng cao thì hàm lượng thạch tín càng lớn. Dù muốn hay không, với tư cách là người tiêu dùng bình thường không phải là chuyên gia về hóa thực phẩm thì ai cũng chỉ biết thạch tín là chất cực độc và thật khó để bình tâm “thông thái” lựa chọn nước mắm- sản phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của gia đình.
Với hơn 150 mẫu được lấy từ các sản phẩm sản xuất tại 19 tỉnh, thành phố, không hiểu đã đạt mức phổ quát, đảm bảo cho một khảo sát khoa học và minh bạch cần thiết về bản đồ nước mắm Việt Nam để đưa ra các con số tỷ lệ phần trăm kiểu “95,65%” số mẫu khảo sát có hàm lượng đạm từ 40% trở lên “có hàm lượng thạch tín vượt quy đinh”. Với những tỉ lệ phần trăm này có người tiêu dùng nào lại không băn khoăn, không hoang mang?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, arsen tồn tại ở 2 dạng. Một là, arsen vô cơ, tức ở trạng thái nguyên tử hoặc phân tử chưa kết hợp với chất nào khác rất độc hại. Hai là, arsen đã tham gia quá trình phản ứng hóa học. Khi đó, nó kết hợp với một số chất nào đó tạo thành hợp chất hữu cơ. Loại arsen hữu cơ này không độc, PGS Thịnh khẳng định. Trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), cơ quan chức năng chỉ quan tâm đến arsen vô cơ, tức chỉ những gì độc hại.
Cũng theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, nước mắm được chế biến bằng 3 nguyên liệu chính là nước, cá và muối. Thực tế, trong nước biển luôn có arsen hữu cơ. Cá biển vì thế cũng bị nhiễm arsen hữu cơ một cách tự nhiên, nhưng không độc hại.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng VINASTAS “hơi vội vàng” khi công bố những thông tin nói trên. “Khi không nói rõ hàm lượng arsen bị “dâng” cao nói trên là loại arsen gì thì không khác gì không phân biệt được đâu là đạm vô cơ, đâu là đạm hữu cơ để xác định được mức độ an toàn thực phẩm”- PGS Thịnh nhấn mạnh.
Nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng người dân hiểu nhầm đây đúng là arsen vô cơ, hoá ra nước mắm đang bày bán trên thị trường đang bị ô nhiễm quá nặng nề mà quay lưng hàng loạt đối với mặt hàng này thì hậu họa sẽ khó lường. Bằng việc làm không mang tính khoa học, pháp lý như vậy, theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, vô tình hữu ý, VINASTAS đang “thọc gậy bánh xe” vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm cũng như gây hoang mang cho người tiêu dùng. Điều này đặc biệt nguy hại trong khi hiện nay, việc sản xuất nước mắm nhiều đạm đang được khuyến khích.
Ngoài ra, việc VINATAS công bố “cảnh báo” là có tới hơn 83% các thương hiệu nước mắm đang lưu thông trên thị trường đều không đạt chuẩn theo quy định, hoặc sai lệch thông tin in trên nhãn hàng hóa, nhưng lại không đề cập đến tên các doanh nghiệp vi phạm, khiến dư luận hoài nghi và tự đặt câu hỏi: Đây là hội bảo vệ người tiêu dùng hay hội bảo vệ doanh nghiệp?! Bởi việc thông tin mù mờ như trên khiến cộng đồng xã hội càng thêm lo lắng với mức độ an toàn của các loại sản phẩm mắm đang lưu thông trên thị trường. Không phân biệt được đúng sai, người tiêu dùng rất có thể quay lưng với nước mắm và hậu quả là biết bao doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm chân chính sẽ bị ảnh hưởng bởi chính cách thông tin trên.
Trước những thông tin được “phát” ra từ VINASTAS, TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế) cho biết: Cục sẽ tiến hành kiểm tra và xác minh những kết quả khảo sát này. Trong khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền, ông khuyến cáo các nhà sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng nước mắm cần bình tĩnh, thận trọng trước những thông tin “không rõ ràng”, chưa được kiểm chứng này, để một mặt vừa không quay lưng với thực phẩm sạch, vừa cảnh giác với thực phẩm bẩn.