Khám 'tự nguyện': Nhập nhèm công tư

Tuấn Việt 19/10/2016 09:05

Sự quá tải của lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh đã khiến cho một trong những bệnh viện quan trọng nhất nước, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong mấy năm trở lại đây “nở rộ” các khu, phòng, khoa khám chữa bệnh tự nguyện. Cùng với sự “tự nguyện”, phí khám chữa bệnh cũng cao ngất ngưởng. Song, có lẽ vì sức khỏe của con em, “giá” nào cũng phải chữa…

“Tự nguyện” vẫn phải chờ rất lâu

Có mặt tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương không chỉ ngày đầu tuần, nhãn tiền là các bãi xe chật kín. Tương tự, mặc dù đã có phân luồng cho xe con, xe taxi đón trả bệnh nhân, song nhiều thời điểm trong ngày, đoạn đường từ phố Đê La Thành xuống cổng BV, khoảng gần 100m, luôn bị ùn tắc.

Lúc nào cũng đông, kể cả ngày cuối tuần, nhiều gia đình bệnh nhân vì xếp số thứ tự quá lâu, với nỗi lo sức khỏe con em đã phải chọn lựa các phòng khám tự nguyện với giá phí khám chữa bệnh cao hơn rất nhiều so với quy định. Cụ thể nơi nộp tiền khám bệnh tự nguyện (khu 1B), giá phí trong giờ là 160.000 đ/ 1 lần khám, ngoài giờ 310.000 đ/ 1 lần khám.

Bà Phạm Vân Anh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, bản thân các phòng khám chữa bệnh tự nguyện mở ra này cũng không đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay. Dễ dàng so sánh để thấy với mức giá tiền khám như vậy, ở phòng khám tư hoặc bệnh viện tư bên ngoài sẽ được tiếp đón niềm nở và không phải xếp hàng.

Giá trên trời

Theo quan sát của phóng viên, các phòng khám tại BV Nhi được quản lý bằng hệ thống mạng rất chuyên nghiệp. Lượng bệnh nhân được xếp số thứ tự bài bản và được phân bổ đồng đều cho vài chục phòng khám trong khuôn viên bệnh viện. Tuy nhiên, không chỉ giờ cao điểm, chầu trực trước các phòng khám là lượng bệnh nhân và gia đình bệnh nhân chật kín, chiếm cả những hành lang rộng rãi được tạo dựng.

Nhiều gia đình đã không “chịu nổi” chờ đợi đã phải “chọn” các khoa dịch vụ tự nguyện được xây dựng độc lập phía trong BV Nhi Trung ương. Một gia đình bệnh nhân ở Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa cho biết, dẫu là khám khoa tự nguyện có giá cao ngất trời, nhưng con em họ không thể chờ, ở đây duy nhất là yếu tố tâm lý.

Nở rộ các loại hình khám “tự nguyện”.

Giá khám tại khoa Tự nguyện là 590.000 đ/ 1 lần khám. Các loại hình khác đi kèm như thử máu, chụp X-quang, nội soi… thu phí riêng và với giá “không tưởng”. Bà Mai Phương (phố Văn Cao, quận Ba Đình, HN) bức xúc kể, con bà bị dị ứng thuốc vào khoa Tự nguyện khám chữa bệnh. Ngoài phí khám 590.000, chỉ riêng xét nghiệm máu với một số chỉ tiêu được bác sĩ ấn định, phí cho một lần xét nghiệm ấy đã là 1,6 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền thuốc men.

Thực tế, không thể đánh đồng việc khám tốt hay không tốt với một bác sĩ nào đó hay một BV nào đó. Nhưng điều ở đây mà các gia đình có con em đến khám chữa bệnh bức xúc là giá phí quá cao. Khi hỏi thu ngân thì chỉ nhận được một câu duy nhất, do “bệnh viện quy định như vậy”.

Sự quá tải, đi đôi với đó là sự nở rộ các loại hình tự nguyện tại BV Nhi Trung ương. Có thể kể đến các khoa khám tự nguyện, phòng khám tự nguyện, khám và lưu tự nguyện, xét nghiệm tự nguyện… ở khắp nơi trong bệnh viện. Chúng tôi có mặt tại khu vực Khám và lưu tự nguyện.

Một gia đình bệnh nhân ở Lạng Sơn cho biết, con họ bị ngã ảnh hưởng đến não bộ, do chuyển tiếp từ BV đa khoa Lạng Sơn về BV Nhi nên một ngày lưu trú chỉ có phí 550.000 đ. Cháu nằm tại khoa gần 1 tuần và khi ra viện tổng cộng đã mất hơn 10 triệu đồng.

Trên thực tế, phí khám chữa bệnh tự nguyện ở BV Nhi Trung ương cao hơn cả các bệnh viện tư như Hồng Ngọc, Thu Cúc (100.000 đ/ lần khám), song vì ở đây là chuyên khoa nên hầu hết các gia đình có con em bị ốm, bệnh đều tìm đến. Theo lý giải của PGS.TS Lê Thanh Hải- Giám đốc BV Nhi Trung ương với báo giới, giá dịch vụ theo yêu cầu (tự nguyện) đều có báo cáo thu chi với Bộ Y tế. Mức giá này tính cả tiền lương và lãi, có như vậy bệnh viện thu mới đủ bù chi và có tích lũy để tái đầu tư, dành quỹ chi trả cho bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả.

PGS.TS Hải cho biết thêm, mỗi ngày bệnh nhân đến khám dao động từ 2.500-3.000 bệnh nhân/ngày đêm. Trong khoảng 3.000 lượt bệnh nhân thì chỉ có khoảng 150 lượt bệnh nhân chọn khám theo yêu cầu, và BV cũng chỉ dành 5-7 bàn khám cho khoa yêu cầu, trong khi đó tại khoa khám bệnh bình thường có khoảng 60-70 bàn khám, có thời điểm còn lên đến gần 100 bàn khám, tùy theo số lượng bệnh nhân…

Phát biểu này hoàn toàn khác xa với thực tế. Chỉ riêng khu vực chờ kết quả phía trái của khoa Tự nguyện điều trị A, một biển người đúng nghĩa cho thấy con số 150 bệnh nhân kể trên là hạt muối bỏ biển. Việc phản ánh về phí khám chữa bệnh cũng sai lệch.

Cụ thể, khám đa khoa có hẹn là 390.000 đ, không hẹn là 580.000 đ, khám chuyên khoa có hẹn là 580.000 đ, không hẹn là 680.000 đ, tái khám chuyên khoa giá 390.000 đ, tái khám đa khoa 290.000 đ, khám cấp cứu giá 580.000 đ… Riêng khoa Tự nguyện điều trị A, các loại giá khám cho một lần đổ đồng 590.000 đ cho một lần khám.

Lợi dụng các đầu tư công để khám dịch vụ?

Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Tuấn- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, hiện nay một thực tế đáng báo động là các cơ sở y tế đang hoạt động “nhập nhèm” theo mô hình công tư. Các bệnh viện công lợi dụng các đầu tư công để khám dịch vụ, thu lợi trong khi phòng và trang thiết bị do nhà nước đầu tư để khám bệnh cho bất kỳ người dân thường.

Từ thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân phải mòn mỏi chờ đến lượt khám bảo hiểm tại nhiều bệnh viện trong khi các khu dịch vụ, tự nguyện thì dễ dàng “qua cửa”. Bản thân những khu phí cắt cổ này cũng ngày một quá tải khi ngày một tăng số lượng bệnh nhân.

Tuấn Việt