Lúng túng xử lý thuốc lá lậu
“Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu thì lãng phí, ô nhiễm môi trường… Cho tái xuất trở lại sợ không ai mua và nguy cơ “gậy ông đập lưng ông” đối với thị trường trong nước”. Đó là băn khoăn chung của các bộ - ngành trong việc tìm hướng xử lý thuốc lá lậu.
Lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ thuốc lá nhập lậu.
Ngày 18/10, tại TP HCM, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì hội nghị tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu thuốc lá tại những địa bàn trọng điểm.
Báo cáo tại hội nghị Hiệp Hội thuốc lá Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016 tổng tiêu thụ toàn ngành ước đạt 4 tỷ bao, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 2,78 tỷ bao và sản lượng xuất khẩu đạt 1,2 tỷ bao.
Riêng trong năm 2015 ngành thuốc lá nộp ngân sách nhà nước hơn 18 ngàn tỷ đồng và phấn đấu trong năm 2016 là 20 ngàn tỷ đồng.
Mặc dù nguồn thu cho ngân sách từ việc sản xuất và kinh doanh thuốc lá khá cao, tuy nhiên ngành này cũng đang phải đối mặt với thách thức lớn khi thuốc lá nhập lậu ồ ạt chiếm lĩnh thị trường. Hiện thuốc lá lậu đang chiếm khoảng 20% thị phần của cả nước.
Liên quan đến công tác phòng chống buôn bán thuốc lá nhập lậu nhiều quan điểm cho rằng, đấu tranh – phòng chống buôn lậu thuốc lá đã khó, công tác xử lý còn khó hơn. Đại diện các bộ - ngành và địa phương đưa ra hai phương án xử lý thuốc lá lậu khi bị tịch thu, đó là tiêu hủy hoặc tái xuất. Tuy nhiên, nếu tiêu hủy thuốc lá nhập lậu thì lãng phí, ô nhiễm môi trường.
Cho tái xuất trở lại sợ không ai mua và nguy cơ “gậy ông đập lưng ông” đối với thị trường trong nước. Đại diện Sở Công thương tỉnh Long An đề nghị cho tái xuất thuốc lá.
Theo Sở này, tái xuất thì nhà nước không phải mất một đồng nào mà còn thu lại lợi nhuận. Điển hình năm 2014, tái xuất trên 12 triệu gói thu về gần 50 tỷ đồng. Riêng tỉnh Long An, năm 2014 thu về19 tỷ từ việc tái xuất.
Với quan điểm không thể tái xuất thuốc lá đã nhập lậu, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó tư lệnh Cảnh sát biển khẳng định: Không thể tạm nhập tái xuất vì tái xuất thì tái xuất đi đâu. Nước ngoài họ thực xuất nhập khẩu theo tiêu chí quốc tế, xuất cho ai được vì nguyên liệu, nguồn gốc và nhãn mác không rõ ràng? Theo ông Nguyễn Văn Sơn, nếu mà không tính toán cẩn thận khi thực hiện tái xuất thì chỉ có trong nước tiêu thụ.
Bàn về giải pháp tiêu hủy hay tái xuất thuốc lá nhập lậu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, nếu tái xuất thì phải xuất qua nước thứ 3. Vậy, liệu trong nước giám sát như thế nào, có giám định được nguồn gốc không vì không cẩn thận thuốc lá nhập lậu được tái xuất quay lại thị trường Việt Nam theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”.
Theo Phó Thủ tướng, tiêu hủy hay tái xuất thuốc lá nhập lậu cần được xem xét thêm đảm bảo tính hiệu quả. Tiêu hủy chỉ cần đốt là xong nhưng tốn kém lớn và chưa chắc đã ngăn chặn được tình trạng buôn lậu thuốc lá. Còn muốn tái xuất thì phải xem kỹ, nghiên cứu tính khả thi.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ động, tích cực hơn nữa trong chống buôn lậu thuốc lá. Địa phương nào xảy ra tình trạng buôn lậu phức tạp, kéo dài, nhức nhối người đứng đầu chính quyền địa phương và người đứng đầu các lực lượng chức năng trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.