Người lưu giữ ký ức Hà Nội bằng ảnh

Minh Phúc 19/10/2016 09:57

Tôi được một người bạn giới thiệu đến gặp nhà nhiếp ảnh Quang Phùng, số nhà 32, xóm Hạ Hồi - với vẻ đầy ngưỡng mộ: “Nhân chứng sống đấy! Kho ảnh của ông có đủ để viết một câu chuyện dài về lịch sử”.

Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng.

Trong thư phòng khá nhỏ bé, ngổn ngang, bề bộn những tập ảnh xếp chồng, lão nghệ sĩ Quang Phùng chầm chậm đưa tôi sống lại những năm tháng hào hùng của Hà Nội xưa và nay.

Hơn 60 năm về trước, trong tiếng reo vui của đoàn giải phóng quân tiến vào tiếp quản Thủ đô, Quang Phùng ăn mặc chỉnh tề, vai đeo ba lô, ngực đeo thẻ nhà báo, xuống đường đi khắp phố phường Hà Nội để chụp ảnh.

Ông bảo, bấy giờ, hầu hết đi qua những ngã tư, ngã năm đều không có bóng dáng của xe tăng, thiết giáp, chỉ thấy những ụ súng nằm trơ khấc. Có lẽ trước sức mạnh và khí thế của quân ta, quân Pháp đã giơ tay đầu hàng và mở ra một viễn cảnh vô cùng tươi sáng.

Thời khắc ấy gieo vào lòng chàng thanh niên Quang Phùng những cảm xúc bồi hồi lẫn buồn vui khó tả. Vui vì được chứng kiến sự đoàn tụ, sum họp của những gia đình có con đi chiến đấu trở về, buồn vì có người nước mắt chực chờ mỏi mắt trông con.

Hai thái cực ngày ấy đến bây giờ vẫn đằm sâu và lắng đọng trong lòng người nghệ sĩ tài hoa. Hồ Gươm - nơi đầu tiên ông đặt chân đến, rồi kịp thời ghi lại bằng bức ảnh “Những đứa trẻ đợi bố ở hồ Gươm” rất sống động, bao ánh mắt thơ ngây ao ước được gặp người cha trong ngày thắng trận trở về, nhưng niềm hi vọng cứ mong manh theo từng chiếc giấy báo tử.

Còn nhớ, năm 1972, đế quốc Mỹ đem một lực lượng lớn máy bay B52 đánh phá miền Bắc, nhằm đưa Hà Nội trở về thời kì đồ đá, Quang Phùng kịp thời có mặt để ghi lại những khoảnh khắc khủng khiếp, tang tóc nhất tại con phố Khâm Thiên.

“Tôi không bao giờ quên được cảnh tượng kinh hoàng ngày đó. Trời mưa tầm tã suốt mầy ngày liền, máy bay rải thảm bom, xác người nằm ngổn ngang, khắp cả khu phố đổ nát”, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng kể.

Vào Bệnh viện Bạch Mai thăm các nạn nhân, ngay lập tức ông đã có bộ ảnh “Những đứa trẻ nơi sơ tán” trong cảnh bom đạn tàn phá mà sau này khiến cả thế giới xúc động.

Vốn là người công tác trong Bộ Ngoại giao, sau khi về nghỉ hưu 1993, Quang Phùng vẫn không nguội lạnh tình yêu với nhiếp ảnh.

Ông mua nhiều tạp chí của các nước Mỹ, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc để bổ sung cho kiến thức nhiếp ảnh của mình.

Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại một mình lặng lẽ xách máy đi khắp ngõ ngách, hẻm phố để ghi lại những cảnh sinh hoạt đời thường trong thành phố.

Bộ ảnh gây ấn tượng mạnh hơn cả của ông là “Ma túy lộng hành giữa Thủ đô” chụp về những ổ nghiện ma túy. 0 giờ đêm, trời nổi dông gió, Quang Phùng một mình lọ mọ vào “xóm người nghiện” nằm dưới chân cầu Long Biên, nơi có những con nghiện đang tụ tập chụp những bức ảnh chân thực nhất về người nghiện ma túy.

Để chụp được những bước ảnh đó, ông chấp nhận dấn thân vào nơi nguy hiểm ngay cả khi có hàng chục con nghiện vây quanh. “Chụp những bức ảnh đó tôi phải đặt cược cả tính mạng mình, nhưng với tôi cũng là cách để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”, lão nghệ sĩ tâm sự.

Rồi có lần ông thuê chiếc thuyền, cùng ăn, cùng ở với những người nghèo, người sa cơ lỡ vận. “Đó là những con người nơi đầu sông cuối bãi, nếu không làm vậy sẽ không thể tưởng tượng được cảnh sống của họ cùng cực đến thế nào”, để từ đó ông có trong tay hàng nghìn bức ảnh về bãi giữa sông Hồng, nơi tá túc của những người vô gia cư từ tỉnh lẻ lên Hà Nội kiếm sống.

Hồ Gươm vẫn là nơi Quang Phùng thường lui tới kể từ khi chụp bức ảnh “Những đứa trẻ đợi bố ở hồ Gươm” năm 1954 đến nay.

Một lần, khi ông đang lang thang thì được nghe câu chuyện của chàng trai, con một cựu binh Mỹ từng có thời gian tham chiến ở Việt Nam. Anh này nói rằng, chiến tranh kết thúc đã lâu nhưng người cha của mình vẫn không dám sang Việt Nam, vì mắc hội chứng chiến tranh với nhiều day dứt và tội lỗi.

Quang Phùng liền chụp bức ảnh anh bộ đội đứng bên cô gái ở hồ Gươm để gửi cho người cựu binh Mỹ, với lời nhắn nhủ rằng “Việt Nam luôn đón chào ông, đừng bao giờ hận thù nữa”.

Minh Phúc