Người Chăm Bàlamôn tham gia bảo vệ môi trường
Sáng ngày 19/10, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam tổ chức buổi khảo sát tại xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước) để chuẩn bị cho việc hỗ trợ xây dựng mô hình điểm trong cộng đồng đạo Bàlamôn tại tỉnh Ninh Thuận.
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu tại buổi khảo sát.
Tham dự đoàn khảo sát có ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Cẩm, Phó Giám đốc Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận và đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cùng lãnh đạo địa phương.
Vẫn còn ô nhiễm ở khu dân cư
Phước Hậu là một xã đồng bằng nằm phía bắc huyện Ninh Phước với diện tích tự nhiên 1.460 ha, được chia thành 7 thôn có tổng dân số là 4.043hộ/20.642 khẩu.
Trong đó dân tộc Chăm là 1.980 hộ/10.220 khẩu, chiếm 49,51%, dân tộc Kinh là 1993 hộ/10.225 khẩu, chiếm 50,08%, dân tộc Răc Lây là 5 hộ/36 khẩu, chiếm gần 0,174%, dân tộc Ê Đê là 2 hộ/12 khẩu chiếm 0,06%, dân tộc Hoa 16 hộ/35 khẩu, chiếm 0,17%, sống đan xen với nhau và có mối đoàn kết giúp đỡ nhau, có các tôn giáo như: Bàlamôn, Phật, Tin lành.
Quang cảnh buổi làm việc tại xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước).
Đồng bào Chăm Bàlamôn có hơn 40 nghìn người, đời sống kinh tế chủ yếu làm nông trồng lúa nước, làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm là chính.
Diễn biến tình hình môi trường trong thời gian qua ngày trở nên phức tạp, việc xử lý rác thải sinh hoạt chưa khoa học nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các nguồn gây ô nhiễm môi trường như rác thải, nguồn nước thải, chuồng trại chăn nuôi hộ gia đình trong khu dân cư.
Nguồn nước thải một số hộ dân còn thải nước trực tiếp ra ngoài đường gây ô nhiễm môi trường trong mùa mưa làm phát sinh các ổ dịch bệnh.
Chăn nuôi quy mô hộ gia đình nhiều hộ dân còn nuôi trâu, bò, heo trong khu dân cư chưa có hệ thống xử lý chất thải làm ô nhiễm môi trường.
Trước câu hỏi của Phó Chủ tịch Lê Bá Trình về tình hình chăn nuôi gia súc thả rong trên địa bàn là do tập quán hay trong giáo luật nào có quy định về vấn đề này không; việc xả nước thải ra đường là do người dân không có tiền đầu tư hầm rút hay do ý thức.
Chức sắc Quảng Văn Đại phát biểu tại buổi khảo sát.
Chức sắc Quảng Văn Đại chia sẻ: Cái này là do tập quán của bà con từ trước đến nay chứ không có quy định nào cả, mặt khác do nhận thức của các bà con chưa cao nên tình trạng thả rong heo và xả nước thải ra đường vẫn còn xảy ra.
Qua công tác chỉ đạo của Đảng ủy Mặt trận và các Tổ chức hội đoàn thể xã phối hợp vận động ký cam kết đến từng hộ chăn nuôi được 27/27 hộ tại 4 thôn đồng bào Chăm, đa số các hộ đều chấp hành nuôi nhốt.
Ngoài ra, ông Huỳnh Hồng Phúc, Phó Bí thư xã Phước Hậu cho biết; do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên một số bà con không đủ kinh phí xây hầm rút, Hố Ga….
Ngoài ra, ông Phúc cho thêm; Dự án xây dựng 150 cây xanh ở các khu cộng đồng và khuôn viên nhà trường nhưng do thiếu nước nên không phát huy hiệu quả.
Chức sắc Chức sắc Lưu Văn Thính chia sẻ kinh nghiệm trong bảo bệ môi trường.
Chức sắc Lưu Văn Thính, ở xã Phước Thái chia sẻ: bảo vệ môi trường, trước hết các chức sắc nên làm gương từ những việc nhỏ nhất như không nên hút thuốc ở nơi công cộng, đám tang, nhà văn hóa và các nơi đông người. Trong các đám tang, cưới hỏi xong phải thu gom rác bỏ đúng nơi quy định.
Còn vấn đề trồng cây xanh, ông Thính cho biết, hiện nay bà con vẫn đang lo ngại trồng cây lớn trong nhà sợ ma, quỷ ở nên không dám trồng, do đó mình nên tuyên truyền trồng cây cảnh, cây nhỏ trước nhà còn cây lớn thì trồng ngoài đường, nơi công cộng.
Tuy nhiên, theo ông Thính, mình trồng cây lớn, cổ thụ trước sân không sao cả, chỉ nên tránh cửa chính hoặc cổng nhà là được. Còn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đối với các tiêu chí mình làm từ từ, không nên vội, cái chính là bền vững nhất là tiêu chí môi trường.
Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình khẳng định rằng: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và của mỗi cá nhân. Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình, bảo vệ gia đình và toàn xã hội.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch lưu ý, việc chăn nuôi gia súc, trong đó có nuôi Heo cần có biện pháp tuyên truyền người dân không nên thả rong ngoài đường, nên xây dựng chuồng trại, xây dựng hầm biogas để tránh gây ô nhiễm môi trường; trồng nhiều hơn cây xanh ở những nơi công cộng, trường học, chợ. Để làm được điều đó, MTTQ Việt Nam sẽ hỗ trợ nhưng phải cần có quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền và các chức sắc.
Phó Chủ tịch đề nghị, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận cơ sở cần có chủ trương, giải pháp kiên quyết để thực hiện Nghị quyết đã nêu. Hội đồng chức sắc cần tuyên truyền cho bà con trong các dịp sinh hoạt tín đồ, các dịp lễ, đám tang, những lần mở cửa tháp và các gia đình đến tháp mở cửa làm lễ.
Vận động các chức sắc không hút thuốc nơi công cộng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ các cá nhân đến hộ gia đình có thói quen tổng vệ sinh gia đình, nơi công cộng, tránh xả nước thải ra môi trường.
Chiều cùng ngày, làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, để thống nhất nội dung và kế hoạch hỗ trợ xây dựng mô hình điểm, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Cẩm, Phó Giám đốc Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam đã thống nhất hỗ trợ thành lập các đội truyền thông viên dưới sự hỗ trợ của hội đồng chức sắc tôn giáo nhằm tuyên truyền, thay đổi nhận thức của bà con trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng hỗ trợ pano, áp phích tuyên truyền trong công tác thông tin cho bà con.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình đã thống nhất xây dựng mô hình điểm phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại xã Phước Hậu.
Để nhanh chóng triển khai mô hình này, Phó Chủ tịch đề nghị trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận nhanh chóng khảo sát tình hình cụ thể của xã về dân số, kinh tế, sinh hoạt, điều kiện thuận lợi và khó khăn… khi triển khai mô hình.
Xác định nội dung thực hiện, chỉ tiêu, mục tiêu trong thời gian bao lâu để 5 tiêu chí đưa ra là chấm dứt việc người dân thả rong heo; cây xanh được trồng từ gia đình đến các đường và nơi sinh hoạt cộng đồng, trường học; chấm dứt xả nước thải ra đường; 100% rác thải hộ gia đình được thu gom; 100% người dân không hút thuốc tại nơi công cộng như đám tang, đám cưới, lễ hội; vệ sinh công cộng được người dân tập trung xử lý, bảo dưỡng cây xanh… sau đó sẽ phân công công việc cụ thể cho từng cơ quan thực hiện.
Tổ chức các nhóm tự quản, xây dựng bản cam kết trong các thôn để lấy ý kiến người dân cho phù hợp với điều kiện địa phương và hộ gia đình để người dân thảo luận rồi đưa ra bản cam kết để mỗi người dân ký kết và sau đó tuyên truyền rộng rãi.