Trận cuối

Mục Phu 20/10/2016 05:10

Tối ngày 19/10, theo giờ Mỹ, diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp thứ 3 và cuối cùng trên truyền hình giữa hai ứng cử viên tổng thống của hai đảng phái chính trị lớn nhất ở Mỹ là ông Donald Trump của Đảng Cộng hoà và bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ.

Sau những gì đã xảy ra và được nói ra ở vòng cuộc tranh luận thứ 2 thì nhiều khả năng trận cuối này sẽ còn hơn cả thế về mức độ bẩn thỉu và vô văn hoá chính trị.

Bà Clinton bước vào lần tranh luận thứ ba này với nhiều lợi thế và xác suất đắc cử cao hơn hẳn ông Trump. Đối với ông Trump, đây là cơ hội cuối cùng để cứu vãn tình thế và vớt vát những gì còn có thể vớt vát được.

Hai người này không còn là đối thủ chính trị nữa mà đã trở thành kẻ thù của nhau nên trận cuối sẽ là trận sống mái, không khoan nhượng và bất chấp tất cả. Nó sẽ giống lần trước ở chỗ nội dung cương lĩnh tranh cử không đóng vai trò gì cả mà sẽ chỉ xoay quanh những bê bối và tai tiếng, những cáo buộc có thật cũng như bịa đặt và bào chữa, thanh minh.

Sẽ không phải là cuộc tranh luận với nội dung chính trị về cương lĩnh tranh cử, về tình hình nước Mỹ và chiến lược dẫn dắt nước Mỹ vào tương lai, về trình bày và mổ xẻ ý tưởng chính sách của nhau để so sánh và công chúng đánh giá hơn kém. Cái dở và vô ích của cuộc tranh luận này chính ở chỗ ấy.

Bù lại, nó sẽ rất quyết liệt và cuốn hút công chúng ở Mỹ bởi sự biến thái tôn chỉ mục đích của nó.

Dân Mỹ quan tâm để ý đến ông Trump còn những chiêu bài gì nữa và còn tồi tệ đến đâu nữa trong cách thức công kích và bôi bẩn bà Clinton. Họ sẽ để ý xem không phải bà Clinton lợi dụng ưu thế hiện tại tấn công ông Trump như thế nào mà lại chú ý tới đối phó ông Trump như thế nào.

Ở Mỹ hiện tại, dư luận và truyền thông gần như không còn tin rằng ông Trump vẫn có cơ may thắng cử và cũng không tin rằng ông Trump có thể tận dụng được cuộc tranh luận thứ ba này để xoay chuyển tình thế. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn luôn dạy con người rằng chừng nào còn một chút cơ hội thì chừng đó vẫn còn cơ hội.

Mục Phu