Nghịch lí ở một xã tỷ phú
Đến xã Nâm N’jang (huyện Đăk Song, Đăk Nông) nhiều người không khỏi choáng ngợp trước sự giàu có của người dân với những căn biệt thự, xe hơi tiền tỷ nhưng không ai ngờ rằng những hộ dân này đang sống trong cảnh “khát” điện. Nhiều hộ đã tự nguyện bỏ hàng tỷ đồng để đấu nối nguồn điện với giá trên trời nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất khiến người dân không khỏi bức xúc.
Trung tâm xã Nâm N’Jan/g với hàng trăm căn biệt thự tiền tỷ.
Về Đăk Nông, hỏi thăm xã Nâm N’Jang, chẳng ai là không biết, bởi nơi đây đã quá nổi tiếng về độ giàu có. Hàng trăm nông dân chân đất nhờ cây hồ tiêu đã nhanh chóng đổi đời thành tỷ phú. Theo thống kê, toàn xã hiện có hơn 300 nông dân là tỷ phú, có của ăn của để nhiều người không ngần ngại vung tiền xây biệt thự, tậu xe hơi tiền tỷ và tự nguyện tham gia đóng góp cùng với chính quyền địa phương xây dựng điện, đường, trường trạm...
Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Tầm, nói về các khoản đóng góp thì chẳng xã nào trên địa bàn huyện sánh bằng. Đến nay đã có gần 370 tỷ đồng được huy động từ trong dân.
Riêng tiêu chí về điện người dân đã tự bỏ hơn 5.1 tỷ đồng để lắp đặt 12 trạm biến áp, hơn 30 đường dây điện 3 pha và kéo nối 15 km đường dây điện các loại. Giàu có, chịu khó tham gia đóng góp nhưng nói đến tiêu chí điện trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì nhiều người dân lại tỏ ra ngán ngẩm bởi số tiền đã chi ra quá nhiều nhưng đến nay vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán.
Nhiều người dân sinh sống tại các thôn 7, 10 và 11 dù sở hữu tiền tỷ trong tay nhưng vẫn phải sống trong cảnh thiếu điện. Đơn cử như tại thôn 7, dù được công nhận “thôn văn hóa”, lại có vị trị rất thuận lợi nhưng suốt gần 15 năm qua, hơn 35 hộ dân luôn sống trong cảnh khát điện.
Để có nguồn điện thắp sáng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, con cái học hành, các hộ dân trong thôn đã bỏ ra vài chục triệu đồng chung nhau một đường điện nhưng do quá xa trạm biến áp hạ thế nên vừa phải gánh điện giá cao mà vẫn phải sống trong cảnh điện chập chờn.
Ông Nông Văn Trọng bức xúc cho biết, được thôn văn hóa mà bà con sống trong cảnh thiếu điện thì buồn lắm!. “Tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng cũng không thấy ngành điện lực triển khai nên tự bỏ 3 triệu đồng/hộ để chung một đường dây điện nhưng dùng điện thắp sáng còn chẳng đủ chứ nói gì đến kinh doanh, buôn bán. Nhiều hộ gia đình cuối đường dây chỉ dùng vào lúc đêm khuya, chứ vào giờ ăn cơm điện không thể sáng...”, ông Trọng than vãn.
Nằm ngay trên trục đường tỉnh lộ 6, với nhà cao cửa rộng, bàn ghế, tivi, tủ lạnh sang trọng cùng hệ thống dây điện kéo chằng chịt quanh nhà nhưng khổ nỗi vì quá xa trạm biến áp nên hộ gia đình anh Hoàn vẫn phải dùng bình ắc qui. Anh Đoàn Ngọc Hoàn, thôn 7 cho biết, điện thì có nhưng chỉ dùng được vào lúc đi ngủ, mỗi tháng cũng phải gánh trên 400 ngàn tiền điện do tổn thất điện năng quá lớn lại mất an toàn hành lang lưới điện.
Theo anh Hoàn để phục vụ sinh hoạt, con cái học hành gia đình phải mua một bình ắc qui, kích điện với giá gần 10 triệu đồng, nếu có khách đến nhà chơi thì phải dùng máy nổ phát điện. “Tính toán số tiền mà các hộ dân bỏ ra tại thôn 7 để mua các máy móc phát điện cùng chi phí mắc đường điện cũng đủ để ngành điện lực lắp đặt một trạm biến áp cho thôn”, anh Hoàn cho biết thêm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đường - Giám đốc Chi nhánh Điện lực Đăk Song cho biết, hiện nay chúng tôi mới khảo sát, lập dự án tại thôn 10 và 11 chờ Sở Công thương phê duyệt, riêng tại thôn 7 chúng tôi đang lập dự án xin chủ trương. Cái khó là hiện nay người dân sinh sống phân tán nên triển khai rất tốn kém và khó khăn.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất mà đây còn là tiêu chí để đánh giá về mức độ hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nếu ngành điện không kịp triển khai thì xã Nâm N’Jang cũng khó mà cán đích nông thôn mới theo kế hoạch.