Vietjet và bài toán nhân sự ngành hàng không
Thời gian qua, các hãng hàng không Việt Nam đã đặt mua thêm rất nhiều máy bay. Việc tăng trưởng mạnh đội bay khiến nhiều người lo ngại về tình trạng thiếu hụt nhân sự chất lượng cho ngành này.
Ảnh minh hoạ.
Để giải đáp vấn đề này, PV Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Hãng hàng không Vietjet, một trong những hãng hàng không mạnh tay “sắm” máy bay nhất trong thời gian qua.
Là một hãng hàng không mạnh tay “sắm” máy bay nhất trong những năm vừa qua, Vietjet có gặp vấn đề về nhân sự không, thưa ông?
Ông Lưu Đức Khánh: Yêu cầu tiên quyết đối với một hãng hàng không trong kế hoạch phát triển đội bay là kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Do đó, từ lúc bắt đầu với 3 máy bay cho đến nay là trên 40 máy bay, Vietjet chưa gặp vấn đề về nguồn nhân lực. Chúng tôi có kế hoạch rất cụ thể về tuyển dụng, đào tạo theo từng tháng.
Nhân lực của Vietjet chủ yếu thuộc chuyên ngành hàng không như cán bộ quản lý, phi công, thợ kỹ thuật tàu bay, nhân viên điều phái bay, nhân viên phục vụ mặt đất, tiếp viên hàng không... được tuyển dụng và đào tạo trong nước và từ nước ngoài. Ngoài nguồn nhân lực đã có sẵn kinh nghiệm, Vietjet còn tuyển dụng đầu vào từ các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng không khác trong nước và nước ngoài. Số nhân viên này sẽ được hãng tiếp tục đào tạo theo các tiêu chuẩn của ngành hàng không tại Trung tâm đào tạo của Vietjet trước khi tham gia vào công việc.
Nguồn nhân lực và hệ thống đào tạo trong nước hiện có đáp ứng được nhu cầu cho Vietjet không?
Ông Lưu Đức Khánh: Vietjet hiện đang có Trung tâm đào tạo đáp ứng đủ tiêu chuẩn và nhu cầu đào tạo tại chỗ cho phi công, tiếp viên, nhân viên điều hành bay, nhân viên kỹ thuật, nhân viên khai thác mặt đất kỹ thuật. Đồng thời, Vietjet còn có chương trình hợp tác với Airbus xây dựng Học viện Vietjet được trang bị thiết bị mô phỏng (Simulator) và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017, sẽ góp phần nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả đào tạo phi công của Vietjet. Hiện, chúng tôi đã tiếp nhận những lứa học viên người Việt đầu tiên đang được Vietjet đào tạo để trở thành phi công thương mại.
Có thể nói, với khả năng tự đào tạo, Vietjet hoàn toàn đáp ứng tốt kế hoạch phát triển đội tàu bay trong thời gian vừa qua cũng như trong những năm tiếp theo.
Thực tế cũng đã minh chứng điều này. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, cùng với sự tăng trưởng của các hãng hàng không trong nước, nguồn nhân lực được đào tạo trong nước đáp ứng được nhu cầu của các hãng nhưng chúng tôi hướng tới môi trường quốc tế hóa nên có chỉ tiêu cụ thể về tỉ lệ nhân lực bản xứ không vượt quá những chỉ số nhất định.
Bên cạnh đó, chúng tôi kiểm soát những chỉ tiêu về tỉ lệ phi công mới vào nghề, tỉ lệ phi công có kinh nghiệm tích lũy số giờ bay tối thiểu, tỉ lệ cơ trưởng có kinh nghiệm với số giờ bay cao để bảo đảm chất lượng vận hành khai thác và những công tác chuyên môn, đào tạo tại Khối Khai thác bay.
Tôi khẳng định, Vietjet cần duy trì tỉ lệ phi công có kinh nghiệm nên với ý kiến cho rằng cần đào tạo ồ ạt phi công mới để bảo đảm số lượng phi công là không phù hợp với chiến lược của chúng tôi.
Đối với nguồn lực người lái, Vietjet hiện có khoảng 22% lực lượng người lái là người Việt Nam, số còn lại đến từ hơn 30 quốc gia khác trên thế giới.
Trên thực tế đã xảy ra hiện tượng các hãng trả lương cao hơn để tranh giành nhân sự. Vietjet có giải pháp gì để tránh việc “chảy máu” nhân lực?
Ông Lưu Đức Khánh: Hiện tại cũng như các năm tới, mỗi tháng Vietjet sẽ nhận 1 máy bay, tương ứng sẽ cần chuẩn bị 10 phi công, 18 tiếp viên cho tàu bay A320 và 23 tiếp viên cho tàu bay A321.
Thế nhưng, từ đầu năm 2016 tới giờ, chúng tôi đã nhận được gần 600 đơn ứng viên phi công, trên 3.000 đơn ứng viên tiếp viên, trong đó đa phần ứng viên phi công là người nước ngoài và khoảng 1.000 ứng viên tiếp viên người nước ngoài. Thực ra nghề phi công, tiếp viên có thời gian đào tạo ngắn, trung bình phi công khoảng 2 năm, tiếp viên 3-6 tháng là đã có thể đi làm nên tôi cho rằng vấn đề thiếu hụt phi công không quá nghiêm trọng như dư luận đang quan ngại.
Như vậy, có thể thấy, trong ngắn hạn, để thu hút được nguồn nhân lực ngành hàng không, Vietjet hoàn toàn không phụ thuộc nguồn trong nước. Chính sách, chế độ của chúng tôi theo các mặt bằng quốc tế giống như Singapore Airlines, Emirates và không phân biệt người Việt hay người đến từ các quốc gia khác. Hằng năm, Phòng Nhân sự của Vietjet đều khảo sát về lương của các hãng hàng không trong khu vực và thế giới để có cơ chế trả lương và các loại phụ cấp, hỗ trợ đào tạo, nhà ở… phù hợp với điều kiện của Việt Nam và mặt bằng quốc tế.
Mặt khác, phi công làm việc tại Vietjet có cơ hội được đào tạo thành cơ trưởng và thăng tiến thành giáo viên, kiểm tra viên, thanh tra viên của ngành hàng không. Đây là những điều kiện làm việc mà không phải hãng hàng không nào cũng có được.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã có giải pháp dài hạn như tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phát triển đào tạo nguồn nhân lực của Công ty, tiếp tục duy trì chiến lược đầu tư xây dựng văn hoá Công ty và môi trường lao động chuyên nghiệp, mang tính quốc tế cao.
Xin cám ơn ông!