Buông lỏng an toàn lao động tại các mỏ đá
Ngày 20/10, chúng tôi đến khu vực khai thác đá của Xí nghiệp Khai thác đá Tân Lâm thuộc Công ty cổ phần Thiên Tân (Công ty Thiên Tân) tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. Hoạt động khai thác đá ở đây diễn ra bình thường sau vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng khiến một công nhân phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, một số người khai thác đá nói rằng vì cuộc sống họ vẫn phải ngày ngày vào mỏ dù biết trước TNLĐ luôn chực chờ.
Khu vực khai thác đá của Công ty Thiên Tân-nơi xảy ra vụ TNLĐ nghiêm trọng ngày 23/8/2016 (Ảnh: Thanh Tùng).
Dùng máy xúc thay máy cẩu
Liên hệ với ông Nguyễn Lộc, Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Quảng Trị sáng ngày 20/10, chúng tôi được ông này cho biết công nhân Lê Hiếu Trung (sinh năm 1980, trú tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) bị TNLĐ từ ngày 23/8 đến nay vẫn đang điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng nguy kịch, có khả năng phải chuyển ra Hà Nội để điều trị tiếp.
Tại thời điểm này, Thanh tra Sở LĐTB&XH chưa nhận được ý kiến gì từ nạn nhân Lê Hiếu Trung và gia đình. Nếu nạn nhân và gia đình yêu cầu, chúng tôi sẽ lập đoàn thanh tra lại vụ TNLĐ này.
Tại buổi làm việc trước đó với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Lộc khẳng định “Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra TNLĐ” lập ngày 27/8/2016 và Biên bản điều tra TNLĐ lập ngày ngày 26/8/2016 của Công ty Thiên Tân không đúng quy trình vì cả 2 biên bản này đều không có ý kiến của nạn nhân và đại diện gia đình nạn nhân.
Trước đó tại trụ sở Công ty Thiên Tân, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Long - Phó Tổng giám đốc phụ trách an toàn lao động (ATLĐ) - cung cấp 2 biên bản nêu trên.
Biên bản điều tra TNLĐ số 03 lập ngày 26/8/2016 thể hiện: Sáng ngày 23/8 nạn nhân Lê Hiếu Trung cùng nhóm công nhân tổ sửa chữa cơ khí do ông Phan Văn Minh làm tổ trưởng, đến sửa chữa máy nghiền sàng đá ở phân xưởng 2 (Xí nghiệp Khai thác đá Tân Lâm thuộc địa phận xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ)…
Tại đây, ông Trần Bá Bình lái máy cẩu nâng dàn băng tải, ông Lê Mai Dũng móc cáp, ông Lê Hiếu Trung và ông Nguyễn Văn Mẫn thực hiện tháo 4 con chốt giữa dàn băng tải để hạ dàn băng tải (máy nghiền sàng).
Khoảng 10h15, khi con chốt cuối cùng bị kẹt không rút ra được, ông Trần Bá Bình cẩu nâng nhẹ, lên xuống nhằm làm con chốt này lỏng để dễ rút ra.
Khi ông Lê Hiếu Trung luồn xuống đứng dưới dàn băng tải để đóng, tháo chốt thì đầu sợi cáp bị lỏng tuột khỏi móc cáp khiến dàn băng tải rơi xuống đè lên lưng.
Biên bản cho rằng: Trong vụ tai nạn này, ông Lê Hiếu Trung là người có lỗi chính do khi làm việc không thực hiện đúng quy trình về các biện pháp bảo đảm ATLĐ, đứng làm việc tại vị trí không đúng quy định.
Khi chúng tôi đề cập đến thông tin đã thu thập được là tổ sửa chữa cơ khí sáng hôm đó đã dùng máy xúc để nâng dàn băng tải máy nghiền sàng nhưng biên bản lại ghi là dùng máy cẩu, Phó Tổng giám đốc phụ trách ATLĐ của Công ty Thiên Tân phân bua: Máy xúc cũng có 1 cái móc để cẩu. Nhiều đơn vị khác cũng cẩu bằng…máy xúc! Chúng tôi tiếp tục chất vấn về công năng hoàn toàn khác nhau giữa máy xúc và máy cẩu thì được nghe ông Long nói là ông “không rõ lắm…”
Bảo hộ lao động không được thẩm định
Chúng tôi được cán bộ có trách nhiệm của Sở LĐTB&XH khẳng định máy xúc chỉ dùng để xúc, không có chức năng cẩu, nếu cẩu thì nguy cơ mất ATLĐ là rất lớn.
Việc doanh nghiệp tự điều tra TNLĐ được ông Nguyễn Đăng Khiêm, Phó Phòng Việc làm Sở LĐTB&XH cho biết: Trường hợp TNLĐ làm bị thương nặng 1 người như trường hợp của Công ty Thiên Tân ngày 23/8 thì doanh nghiệp báo cáo nhanh về Sở và tự xử lý, thành lập đoàn điều tra. Ông Nguyễn Lộc-Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH thừa nhận việc để doanh nghiệp tự điều tra TNLĐ xảy ra tại doanh nghiệp mình là bất cập, nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý!
Theo ông Nguyễn Đăng Khiêm, năm 2015 ở khu vực khai thác đá của Công ty Thiên Tân đã xảy ra 2 vụ TNLĐ. Tháng 8/2016 tại khu vực này xảy ra 2 vụ TNLĐ làm chết 1 người và bị thương nặng 1 người (trường hợp nạn nhân Lê Hiếu Trung).
Ngay khi xảy ra 2 vụ TNLĐ nghiêm trọng chúng tôi đã đặt vấn đề về an toàn trong trang cấp bảo hộ lao động (TCBHLĐ) cho công nhân mỏ đá và được chủ doanh nghiệp cho biết TCBHLĐ được mua tại chợ và các cửa hàng ở TP Đông Hà.
Đơn cử ngày 3/3/2016 Xí nghiệp Khai thác đá Tân Lâm (Công ty Thiên Tân) nhập kho 200 dây an toàn với giá 24.000 đồng/chiếc từ một cửa hàng ở TP Đông Hà nhưng không hề có bất cứ giấy tờ gì liên quan đến chất lượng của số dây đai này.
Theo ông Thái Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị, hiện trên địa bàn Quảng Trị có 7 doanh nghiệp khai thác đá phục vụ xây dựng. 1 điểm mỏ khai thác đá liên quan đến nhiều quy trình, nhiều đơn vị tham gia thẩm định.
TNLĐ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên tục xảy ra cho thấy ATLĐ trong khai thác đá xây dựng ở Quảng Trị đang bị buông lỏng ở mức báo động.