Chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi: Khó chồng khó

Thu Hương 21/10/2016 08:15

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 huy động được 30% trẻ em trong độ tuổi dưới 36 tháng được ra lớp là vô cùng khó khăn. Trong đó, riêng số giáo viên mầm non (GVMN) cần đào tạo, bồi dưỡng thêm so với thời điểm hiện tại khoảng 11.800 người.

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng theo hướng lồng ghép - chi phí thấp ở Việt Nam” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đã chỉ ra thực trạng và mô hình/ giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi.

Chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi: Khó chồng khó

Ảnh minh họa.

Thiếu trường lớp

Theo thống kê, năm học 2015-2016, cả nước huy động được khoảng 26% tỷ lệ trẻ em dưới 36 tháng tuổi ra nhóm, lớp với trên 62 nghìn giáo viên mầm non (GVMN) dạy trẻ nhà trẻ, trong đó tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo là trên 94%. Số GV công lập chiếm 74% còn lại là ngoài công lập. Tỷ lệ trẻ/GV là 10,37 và tỷ lệ GV/nhóm là 1,3.

Theo ThS Vũ Huyền Trinh- Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), giáo dục mầm non (GDMN) là bậc học được Chính phủ và các hộ gia đình dành ưu tiên đặc biệt cao, với tỷ trọng chi tiêu tăng theo từng năm.

Tuy nhiên, mức đầu tư này mới chỉ đảm bảo chính sách cho trẻ em từ 3-5 tuổi (thông qua chương trình phổ cập cho trẻ em 5 tuổi, bắt đầu từ năm 2010).

“Chương trình GDMN ban hành năm 2009 cho phép cơ sở GDMN nhận trẻ từ 3 tháng tuổi nhưng trên thực tế việc thực hiện chương trình nhà trẻ đối với các cơ sở GDMN đang gặp nhiều khó khăn.

Tỷ lệ trẻ dưới 36 tháng tại các cơ sở GDMN thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lớp mẫu giáo 3-5 tuổi”- ThS Trinh nêu vấn đề.

Chia sẻ ý kiến này, ThS Vũ Thị Kim Hoa- Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, nguyên nhân là do thiếu phòng học nên chủ yếu các cơ sở ưu tiên nhận trẻ lớn, đặc biệt tại những khu vực điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, khu vực đông dân cư và khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều này dẫn đến cơ hội thực hành kỹ năng nghề đối với giáo viên dạy lứa tuổi này bị hạn chế.

Quan niệm từ nhiều phụ huynh là trẻ dưới 3 tuổi đến trường thường hay bị ốm nên hầu hết đều được chăm sóc tại nhà, đến 3 tuổi mới cho đến trường mầm non.

Bất cập đào tạo giáo viên mầm non

Chia sẻ tại hội thảo, PGS TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh- Giám độc Trung tâm nghiên cứu GDMN (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết, việc đào tạo GVMN hiện nay có các trình độ từ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ và trung cấp thuộc nhiều hệ đào tạo chính quy, vừa học vừa làm với các hình thức đào tạo đa dạng: từ xa, liên thông, liên kết đào tạo.

Theo tìm hiểu, chương trình đào tạo tuy có đủ thời lượng cho các khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành, rèn luyện nghiệp vụ như không có khối kiến thức riêng cho nuôi, dạy trẻ dưới 36 tháng.

Trong khi đó, đây là nhóm tuổi cần có sự chăm sóc, giáo dục đặc thù với những kiến thức về tâm sinh lý rất khác biệt so với các lứa tuổi khác.

“Nhiều cơ sở trước đây chuyên đào tạo GV nhà trẻ, mẫu giáo thì nay chuyển thành cơ sở đào tạo đa ngành. Các cơ sở không có chức năng đào tạo GVMN- các trường CĐ, ĐH đa ngành lại chuyển sang đào tạo GVMN thông qua hình thức liên thông, liên kết đào tạo, vì thế chất lượng đào tạo GVMN không cao”-bà Trinh phân tích.

Về mục tiêu đào tạo, các trường CĐ, trung cấp không xác định đào tạo riêng GVMN dạy trẻ dưới và trên 3 tuổi. Trong khi đó hầu hết các cơ sở đào tạo ĐH và sau ĐH xác định nhiều mục tiêu gồm cả đào tạo GVMN và cả nghiên cứu viên, giảng viên dạy chuyên ngành GDMN, cán bộ quản lý các cơ sở GDMN.

Về phía giáo viên, hầu hết cũng không thích làm việc với trẻ nhỏ vì công việc vất vả hơn, yêu cầu cao hơn nhưng đánh giá, ghi nhận và đãi ngộ của ngành học, gia đình và nhà trường và xã hội thì không có sự khác biệt.

Đồng quan điểm này, ThS Trinh cho rằng các cơ sở đào tạo GVMN từ trung ương đến địa phương chưa thực sự chú trọng đến đào tạo giáo viên nhà trẻ. Ngay cả khi có những chương trình đào tạo được thiết kế hay, phù hợp cho GVMN dạy trẻ dưới 36 tháng tuổi thì không phải giáo viên nào cũng có điều kiện được tiếp cận do không có thời gian, tiền bạc, không được nhà trường tạo điều kiện…

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh kiến nghị cần có tổ chức độc lập đánh giá năng lực sinh viên ngành GDMN được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề cho GVMN được làm nghề, định kỳ 5 năm kiểm tra để đánh giá lại.

Nếu không đạt yêu cầu cần được bồi dưỡng lại kiến thức và kỹ năng tương ứng. Các chương trình đào tạo nên tập trung vào một mục tiêu chính, thực hiện đào tạo nối tiếp thay vì đào tạo song song như hiện nay. Chế độ đãi ngộ cho GVMN chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi cần được cân nhắc để các cô yên tâm gắn bó với nghề, với trẻ.

Thu Hương