Những họa phẩm đặc biệt ở phiên đấu giá thiện nguyện
Vào ngày 22/10, ở phiên đấu giá gây Quỹ Thiện Nhân và những người bạn diễn ra tại TP HCM, những người yêu thích mỹ thuật sẽ có dịp chiêm ngưỡng tranh của danh họa Bùi Xuân Phái và tranh của thi sĩ Bùi Giáng.
Bức tranh “Phố cổ Hà Nội” của Bùi Xuân Phái.
Tại đây, lần đầu tiên giới yêu hội họa có dịp tận mắt thấy một trong những bức tranh đẹp và quý hiếm của thi sĩ Bùi Giáng (1926 - 1998). Bùi Giáng sinh thời vẽ hàng trăm bức tranh, nhưng do đa số người được tặng chỉ nghĩ ông cuồng điên vẽ “lăng nhăng” nên ít được lưu giữ lại.
Thế nhưng chỉ cần một chút độ lùi về thời gian và chút bình tĩnh trong cảm nhận, tranh Bùi Giáng khá riêng biệt, không như họa sĩ vẽ, mà cũng không như... nhà thơ vẽ.
Trước tác, dịch thuật và di cảo của thi sĩ Bùi Giáng để lại hơn 100 đầu sách. Trước năm 1975 tại miền Nam, cùng với Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn…, tên tuổi Bùi Giáng tạo nên một sức hút lớn với người hâm mộ.
Mới đây nhân kỷ niệm 18 năm ngày mất của thi sĩ Bùi Giáng (1998-2016), tập di cảo thứ 13 của ông đã được NXB Văn hóa Văn nghệ giới thiệu đến bạn đọc có tên “Tình thương theo gió”.
Bức tranh của thi sĩ Bùi Giáng đấu giá tới đây có tên gọi “Gửi đêm” thể hiện ý đồ nghệ thuật rõ ràng và bố cục hoàn thiện. “Gửi đêm” vẽ năm 1992 bằng mực tàu và gouache color trên giấy, 42 cm x 31,5 cm. Đây sẽ là cơ hội tốt cho những nhà sưu tập tranh tìm kiếm những bức họa độc đáo.
Cùng với đó, giới sưu tập tranh Bùi Xuân Phái cũng sẽ có dịp sở hữu một trong những kiệt tác của danh họa này - tác phẩm “Phố cổ Hà Nội”. Theo giới phê bình mỹ thuật, tác phẩm của danh họa nổi tiếng với phố cổ Hà Nội có thể chia làm 3 thời kỳ: nâu (từ 1960 đến 1970), ghi xám (từ 1970 đến 1980), lam (từ 1980 đến khi qua đời năm 1988).
Đến nay, chưa có một thống kê chính xác nào về số tranh mà Bùi Xuân Phái đã vẽ về Hà Nội. Bức “Phố cổ Hà Nội” (sơn dầu trên bố, 55 cm x 72 cm, vẽ khoảng 1968 - 1972) tại phiên đấu này tiêu biểu cho kỹ thuật và tâm hồn Phái.
Theo BTC, điểm khác biệt của phiên đấu giá gây quỹ Thiện Nhân và những người bạn ngày 22-10 là tất cả tác phẩm đều được chủ động tuyển lựa theo tiêu chí nghệ thuật và thước đo từ lòng ưu chuộng của giới sưu tập.
Ngoài những tác phẩm kể trên, phiên đấu giá còn có các tác phẩm của Lê Kinh Tài, Đinh Thị Thắm Poong, Lim Khim Katy, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Văn Đức, Lê Hào, Đào Xuân Tình, Nguyễn Ngọc Vũ…
Phiên đấu giá này là sự kiện thiện nguyện, do Quỹ Sống để yêu thương Việt Nam tổ chức, nhằm tìm kiếm kinh phí cho Quỹ Thiện Nhân và những người bạn trong việc phẫu thuật dị tật đường tiểu cho trẻ em.