Chân thành, thẳng thắn, xây dựng trước Đảng, Quốc hội
“Những vấn đề cơ bản nhất, bức xúc nhất mà người dân đang đặt ra cho Mặt trận đã được tập hợp và trình bày một cách hết sức chân thành, thẳng thắn, xây dựng trước Đảng và Quốc hội”. Ông Nguyễn Túc-Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm HĐTV Văn hóa xã hội-UBTƯ MTTQ Việt Nam đã khẳng định điều đó với Đại Đoàn Kết về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân mà Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gửi tới Quốc hội trong phiên khai mạc sáng 20/10.
Ông Nguyễn Túc.
Những vấn đề cơ bản, mấu chốt nhất
PV: Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tới Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về bản báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri lần này?
Ông Nguyễn Túc: Trước hết tôi rất mừng là những ý kiến mà Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam góp ý vào Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đã được tập hợp đầy đủ trong báo cáo hôm nay mà Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày trước Quốc hội.
Phải khẳng định những vấn đề cơ bản nhất, bức xúc nhất mà người dân đang đặt ra cho Mặt trận đã được tập hợp và trình bày một cách hết sức chân thành, thẳng thắn, xây dựng trước Đảng và Quốc hội.
Những vấn đề mấu chốt nhất mà hiện nay nhân dân bức xúc như vấn đề cát tặc, lâm tặc, tham nhũng, ô nhiễm của Formosa nhân dân cho rằng nhà đầu tư vi phạm đã nhận lỗi và nhận trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhưng đến giờ phút này vẫn chưa có cơ quan, tổ chức và cá nhân nào trong hệ thống quản lý nhà nước có liên quan đứng ra chịu trách nhiệm…
Trong báo cáo lần này, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nói những điều mà cử tri đang mong muốn.
Báo cáo kiến nghị cử tri cũng đã đi sâu vào những vấn đề trong 3, 4 năm nay Mặt trận kiên trì kiến nghị nhưng các cơ quan Nhà nước vẫn án binh bất động.
Đó là nạn khai thác cát không phép, trái pháp luật tiếp tục hoành hành, gây tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông, việc chặt phá, hủy hoại rừng có tổ chức và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng phức tạp.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trong báo cáo đã thẳng thắn đặt vấn đề rằng nhân dân ở xã biết, chính quyền ở xã, ở huyện, ở tỉnh biết, người dân khốn đốn, tài nguyên quốc gia bị cướp phá, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng nhưng Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch huyện, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy đã chỉ đạo như thế nào, tác dụng thực tế đến đâu để chấn chỉnh tình trạng trên.
MTTQ Việt Nam đã hai lần kiến nghị với Chính phủ vào năm 2013, 2014 và 3 lần báo cáo trước Quốc hội trong năm 2015, 2016. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương, thế nhưng các vi phạm pháp luật của lực lượng khai thác cát và chặt phá rừng không phép, trái pháp luật vẫn tiếp tục một cách công khai.
Những phát biểu đó của người đứng đầu Mặt trận đã thể hiện được tinh thần của Hiến pháp 2013 và Luật MTTQ Việt Nam đó là đại diện cho quyền và bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Bảy nội dung nêu trong Báo cáo kiến nghị cử tri tất nhiên không bao gồm hết 3.000 ý kiến của nhân dân nhưng những ý kiến cơ bản nhất, bức xúc nhất mà đại đa số nhân dân kiến nghị đã được tập trung vào báo cáo này và tôi tin chắc rằng cử tri cả nước đều thấy rằng đã có ý kiến của mình trong phản ánh của người đứng đầu Mặt trận.
Luật sai làm cho cả xã hội thay đổi
Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam có đưa ra 5 kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri và nhân dân. Ông đánh giá như thế nào về những kiến nghị này?
- Trong 5 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch nêu ra thì cả 5 đều quan trọng và gắn bó hữu cơ với nhau. Tuy nhiên điều tôi tâm đắc nhất là Đoàn Chủ tịch trong kiến nghị đầu tiên của mình là kiến nghị với Quốc hội tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng các chính sách và văn bản pháp luật được ban hành, không để xảy ra tình trạng văn bản luật được ban hành có nhiều sai sót hoặc có những quy định không phù hợp với thực tiễn.
Điều đó xuất phát từ thực tiễn thời gian vừa qua chất lượng của việc xây dựng pháp luật chưa cao. Rất nhiều luật chưa ra thì đã phải sửa nên tại kỳ họp này kiến nghị đầu tiên mà Mặt trận đề nghị Quốc hội phải nâng cao trách nhiệm của từng ĐBQH khi thông qua những bộ luật quan trọng vì chúng ta sống và tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật mà luật sai thì làm cho cả xã hội thay đổi.
Muốn xây dựng pháp luật đúng, sát với tình hình thực tiễn của Việt Nam đòi hỏi các ĐBQH phải nâng cao trách nhiệm của mình chứ không phải chỉ “xuân thu nhị kỳ” đến nghe rồi “vỗ tay bấm nút” mà phải vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm của mình, nếu chưa đủ kiến thức kinh nghiệm phải học tập để làm sao làm tròn trách nhiệm mà nhân dân đã giao phó cho mình.
Điểm nhấn thứ hai trong kiến nghị là Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến vấn đề phòng chống tham nhũng. Trong dự thảo ban đầu Đoàn Chủ tịch định đưa thành kiến nghị thứ tư nhưng báo cáo lần này trở thành vấn đề kiến nghị thứ 2.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XII vừa họp xong để sơ kết từ Hội nghị TƯ khóa XI và thấy rằng phòng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, chưa ngăn chặn và đẩy lùi được. Tại kỳ họp này Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề này thành thứ 2 và khẳng định đó là đòi hỏi bức thiết của Đảng và Nhân dân.
Trong kiến nghị đã đặt vấn đề phải sửa ngay Luật Phòng chống tham nhũng, phải giám sát việc kê khai tài sản trước hết là đối với những người có chức có quyền và những người lãnh đạo cơ quan cấp trên theo tinh thần của Nghị quyết lần thứ 4 TW khóa XII. Đặc biệt là phải có những biện pháp răn đe một cách quyết liệt hơn nữa để tránh tình trạng nhờn pháp luật.
Trả lời kịp thời những kiến nghị của dân
Trong thời gian tới, những ý kiến chân thành, thẳng thắn, xây dựng mà Mặt trận thay mặt cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội cần phải được thực hiện như thế nào để thực sự có hiệu quả hơn nữa, thưa ông?
- Tôi cho rằng trong báo cáo mà người đứng đầu Mặt trận nêu ra với những việc làm cụ thể, đó là những ý kiến hợp lòng dân và cũng để nói với các cấp chính quyền rằng nhân dân băn khoăn và nghi ngờ trong những việc đó tại sao không giải quyết được phải chăng vì lợi ích nhóm, phải chăng vì cả nể.
Thực tế hiện nay hiệu lực quản lý nhà nước của chúng ta còn yếu và những tiếng nói, kiến nghị chân thành, thẳng thắn, xây dựng của Mặt trận cũng là một cách để Mặt trận góp phần xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Tôi tin chắc rằng tiếng nói của Mặt trận, kiến nghị của Mặt trận thời gian tới dứt khoát phải được Đảng và Nhà nước xem trọng. Tuy nhiên điều đó không tự nhiên mà có.
Hoạt động của Mặt trận phải mạnh mẽ hơn nữa và tiếng nói của Mặt trận - qua hoạt động hiệu quả sẽ có hiệu lực hơn để chính quyền, Nhà nước trả lời kịp thời những kiến nghị của dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Báo cáo đã chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương Báo cáo kiến nghị cử tri cả nước gửi đến kỳ họp do Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại phiên khai mạc đã phản ánh khá đầy đủ các bức xúc của đời sống xã hội hiện nay. Đó là những ý kiến rất toàn diện, đặc biệt đã chỉ rất rõ trách nhiệm của các bộ, ngành như thế nào?, địa phương như thế nào? Những vấn đề mà Thủ tướng đặt ra nhưng bên dưới lại không triển khai thực hiện. Tôi nghĩ rằng đó là một báo cáo tốt, thậm chí nếu như các cơ quan nhà nước tiếp thu báo cáo đó, giải trình tốt thì đó chính là bản giải trình, bản chất vấn rất có trọng lượng, báo cáo rất có chiều sâu đối với các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay. T.D.(ghi) |