Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp: Đòn bẩy thúc đẩy đầu tư

V.Thắng 21/10/2016 23:02

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 21/10, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Thảo luận ở tổ trong buổi chiều, vấn đề trên đã nhận được sự đồng tình từ phía các ĐBQH.

Chính sách miễn, giảm thuế khuyến khích tạo điều kiện cho người dân bám ruộng. Ảnh: Việt Võ.

Tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông”

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 thì hầu hết các đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đều được miễn hoặc giảm 50% số thuế phải nộp.

Do đó, chỉ còn một số ít đối tượng phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp như: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp; Tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao; Đơn vị vũ trang nhân dân được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thì phải nộp 50% số thuế ghi thu hàng năm đối với diện tích được Nhà nước giao; tổ chức được Nhà nước giao đất nông nghiệp mà không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong những năm qua, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do. Các Hiệp định thương mại tự do tạo thuận lợi cho xuất khẩu một số hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam, trong đó có các mặt hàng nông sản.

Tuy nhiên, hàng nông sản của các nước đối tác cũng được hưởng những thuận lợi tương tự khi vào thị trường Việt Nam, do đó sức ép cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước cũng rất lớn đối với hàng nông sản của Việt Nam. Điều này đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam phải được phát triển toàn diện, theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đưa ra dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế về thuế sử dụng đất nông nghiệp tại hầu hết các nước đều có xu hướng áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với đất sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, như: áp dụng mức thuế suất thấp hơn (Nga, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc); miễn một phần hay toàn bộ số tiền thuế phải nộp (Úc, Ba Lan, Columbia, Nicaragua, Cộng hòa Macedonia), hay một số nước không đưa đất sử dụng để sản xuất nông nghiệp vào diện chịu thuế (Thụy Điển, Italia, Anh, Ireland), ông Dũng cho rằng, để thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế thì cần thiết tiếp tục nghiên cứu bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các đối tượng còn lại đang phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Nhận định “trong những năm qua, kinh tế đất nước đã có bước phát triển khá nhanh, song đến nay, kinh tế nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chậm phát triển; đời sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn; sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp trên thị trường khu vực và thế giới còn hạn chế”, thẩm tra báo cáo trên, Ủy ban Tài chính Ngân sách bày tỏ quan điểm nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.

Ông Nguyễn Đức Hải- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nói: “Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp cho các hộ gia đình, cá nhân, kể cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm là không lớn và có tác động không đáng kể tới thu ngân sách nhà nước”.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng phát biểu tại tổ. Ảnh: Phạm Kiên.

Miễn giảm thuế là hợp lý

Qua thảo luận, nhiều ĐBQH bày tỏ quan điểm thống nhất với tờ trình của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp, nông dân. ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nói: “Tôi ủng hộ hai tay” bởi số tiền thu từ việc miễn, giảm không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách. Hiện nay nhiều người bỏ ruộng vì đầu tư không có lãi cho nên cần khuyến kích tạo điều kiện cho người dân bám ruộng để bớt cảnh ra đi khỏi “lũy tre làng”, rồi nhiều hệ lụy khác.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng “đây là Nghị quyết rất có ý nghĩa”. Ông Ngân nói: “Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách số tiền thu thuế chỉ 34,3 tỷ đồng, tác động không lớn tới thu ngân sách cho nên miễn giảm thuế là hợp lý. Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của các hộ gia đình cá nhân; Thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích được nhà nước giao cho các hộ gia đình, cá nhân là hợp lý vì chúng ta đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên chính sách này sẽ tạo đòn bẩy để thúc đẩy đầu tư”.

Tuy nhiên, ông Ngân cũng lưu ý, thời gian qua có hiện tượng lợi dụng chính sách, để thực hiện lĩnh vực kinh doanh khác, ảnh hưởng đển việc thu thuế nên phải tăng cường rà soát trong sử dụng đất, đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất.

Đồng tình việc miễn, giảm thuế đất cho hộ gia đình, cá nhân, ĐB Lê Thị Thủy (Hải Dương)- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị, miễn thuế đất đối với lực lượng vũ trang. Sau khi đưa ra thực trạng: “Đất nông nghiệp của lực lượng vũ trang bây giờ theo quy định phải chuyển sang thuê đất. Nhưng hiện nay có thực trạng lực lượng vũ trang phải cùng với nông dân canh tác ở những địa bàn rất khó khăn, nhà nước còn phải đầu tư. Trước đây ta giảm 50% cho đối tượng này nhưng giờ chuyển sang cho thuê.

Họ không thuê được thì làm thế nào?”; đồng thời bà Thủy kiến nghị: Trong thời gian họ chưa thuê được đất, nhất là vùng Tây Nguyên thì chúng ta nên miễn, đặc biệt là những đơn vị gắn bó với dân ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. “Cả nước thu được có hơn 34 tỷ đồng, số tiền này chẳng đáng bao nhiêu, trong khi đơn vị vũ trang hàng ngày vẫn phải gắn bó với dân, cùng dân sản xuất thì nên miễn. Làm thế nào để người dân gắn bó với đất hơn, góp phần chuyển đổi kinh tế của nước ta nhanh hơn”- bà Thủy nói.

V.Thắng