Lắng nghe và giải quyết
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Những vấn đề trực diện nhất, bức xúc nhất của nhân dân đã được nêu ra một cách chân tình, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, được cử tri và nhân dân cả nước đồng tình.
Khai thác cát hủy hoại các dòng sông - vẫn nạn vẫn chưa được dẹp bỏ.
Những vấn đề mấu chốt nhất mà hiện nay nhân dân bức xúc đều đã được tổng hợp và trình bày trước Quốc hội. Báo cáo kiến nghị cử tri cũng đã đi sâu vào những vấn đề trong 3, 4 năm nay Mặt trận kiên trì kiến nghị nhưng các cơ quan có trách nhiệm chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để.
Đó là nạn khai thác cát không phép, trái pháp luật tiếp tục hoành hành, gây tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông, việc chặt phá, hủy hoại rừng có tổ chức và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng phức tạp...
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn đặt vấn đề rằng nhân dân ở xã biết, chính quyền ở xã, ở huyện, ở tỉnh biết, người dân khốn đốn, tài nguyên quốc gia bị cướp phá, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng nhưng Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch huyện, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo như thế nào, tác dụng thực tế đến đâu để chấn chỉnh tình trạng trên.
Đánh giá cao Báo cáo kiến nghị cử tri lần này, ông Nguyễn Túc- Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - xã hội cho rằng, 7 nội dung nêu trong Báo cáo kiến nghị cử tri tất nhiên không bao gồm hết 3.000 ý kiến của nhân dân nhưng những ý kiến cơ bản nhất, bức xúc nhất mà đại đa số nhân dân kiến nghị đã được tập trung vào Báo cáo này và ông tin chắc rằng cử tri cả nước đều thấy ý kiến của mình trong phản ánh của người đứng đầu Mặt trận. Đại đoàn kết là sứ mệnh lịch sử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong giai đoạn hiện nay, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo cho rằng, Mặt trận có những chức năng nhiệm vụ rộng lớn hơn, ngoài những chức năng chung là cơ quan có điều kiện để tập hợp đại đoàn kết dân tộc thì còn làm nhiều chức năng khác. Chính vì thế, Mặt trận trực tiếp tham gia vào việc xây dựng hệ thống thiết chế chính trị của đất nước, có khả năng đóng góp trực tiếp hơn vào các vấn đề chính trị của đất nước, từ lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đấy là nét mới trước đây chưa từng có.
Tại Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri vừa nêu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, trong 5 kiến nghị, thì kiến nghị đầu tiên của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam là kiến nghị với Quốc hội tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng các chính sách và văn bản pháp luật được ban hành, không để xảy ra tình trạng văn bản luật được ban hành có nhiều sai sót hoặc có những quy định không phù hợp với thực tiễn.
Đây cũng là điều mà ông Nguyễn Túc, với tư cách là Ủy viên Đoàn Chủ tịch rất tâm đắc bởi điều đó xuất phát từ thực tiễn thời gian vừa qua chất lượng của việc xây dựng pháp luật chưa cao.
“Nhiều luật mới ban hành chưa phát sinh hiệu lực thì đã phải sửa nên tại kỳ họp này kiến nghị đầu tiên mà Mặt trận đề nghị Quốc hội phải nâng cao trách nhiệm của từng ĐBQH khi thông qua những bộ luật, luật vì chúng ta sống và tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật mà luật sai thì làm cho cả xã hội thay đổi”-ông Nguyễn Túc khẳng định.
Trở lại với chức năng mới của Mặt trận là giám sát và phản hiện. Đây chính là cơ hội để thể hiện rõ nét sự tiên phong của Mặt trận vào đời sống bên cạnh sự khẳng định vị trí ở một “sân chơi chính trị” chiều sâu, rộng lớn.
Ở đó, Mặt trận đã chọn ra những điểm nóng trong cuộc sống như việc hỗ trợ và giám sát hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng cá chết do ô nhiễm từ Công ty Formosa ở Hà Tĩnh, đồng bào bị hạn hán ở Nam Bộ và Tây Nguyên cho đến việc tham gia giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm- tuyên chiến với “quốc nạn” thực phẩm bẩn…
Trong thời gian qua, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc các tầng lớp nhân dân ở một số địa phương và ở nơi nào các thành viên trong đoàn cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Câu chuyện Giám đốc HTX Hữu Đức Thuận Văn Tài (Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận) phải đem chính nhà của mình ra thế chấp để vay vốn cho HTX là một điều khiến Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và các thành viên rất trăn trở khi đến địa phương này.
Ông Tài chỉ cần vay ngân hàng 380 triệu đồng, và điều này, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, là không cần thế chấp theo quy định của Chính phủ. “Tại sao tài sản HTX lại không thể thế chấp để Giám đốc HTX Hữu Đức phải mang cả nhà mình đi thế chấp?”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân hỏi và đề nghị tỉnh Ninh Thuận thực hiện đúng quy định của Chính phủ, tạo thuận lợi cho HTX Hữu Đức vay vốn. Thậm chí Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân còn khẳng định: Nếu HTX Hữu Đức vẫn còn gặp khó khăn, đích thân Chủ tịch sẽ đứng ra nộp hồ sơ vay vốn cho HTX.
Ninh Thuận và Bình Thuận được xem là những địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống nhất so với cả nước. Bởi vậy, trong chuyến tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bên cạnh những trăn trở về việc phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và các thành viên trong đoàn rất thấu hiểu những trăn trở của đồng bào Chăm trong việc bảo tồn văn hóa, phát huy truyền thống.
Sau những chuyến đi tiếp xúc nhân dân, từ những việc làm cụ thể như vậy, chúng ta cảm nhận được tiếng vang từ tình cảm của nhân dân dành cho Mặt trận. Bởi bên cạnh trách nhiệm vận động nhân dân ở tầm vĩ mô, ở những phong trào có tính chất chính trị xã hội thì Mặt trận đã và đang đi thẳng vào những vấn đề của con người.
Trong mái nhà chung Mặt trận, không phải chỉ những cá nhân tiêu biểu hay một vài trí thức nào đó có điều kiện được nói lên tiếng nói của mình mà là một nơi mà bất cứ người dân nào cũng có điều kiện để tạo nên tiếng nói.
Tiếng nói của Mặt trận là tiếng lòng của nhân dân. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước do Mặt trận tập hợp, phản ánh trước Quốc hội chính là góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ giải quyết những bức xúc của nhân dân, từ đó góp phần củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.