Cướp biển Somalia trả tự do 26 con tin sau hơn 4 năm giam giữ
Chính quyền Somalia hôm 22/10 cho hay nhóm cướp biển ở nước này đã trao trả tự do cho 26 con tin sau hơn 4 năm giam giữ, trong đó có một con tin người Việt Nam. Được biết, số con tin được trả tự do này đã bị bắt cóc khi đang trên một con tàu ở khu vực phía Nam Seychelles hồi tháng 3/2012.
Các thủy thủ trên tàu Naham 3 bị cướp biển Somalia bắt giữ. (Nguồn: OBP).
Trong số 29 con tin bị bắt giữ, 1 người đã thiệt mạng trong lúc nhóm cướp tấn công và 2 người khác chết trong lúc bị giam giữ; theo tổ chức Oceans Beyond Piracy (OBP) phụ trách việc chăm sóc sức khỏe các con tin mới được trả tự do.
Số con tin này đều là đàn ông, đến từ các nước và vùng lãnh thổ Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Họ bị bắt cóc khi đang làm việc trên tàu Naham 3 mang cờ Oman.
Ông John Steed, nhân viên thuộc OBP, đã xác nhận đội ngũ thủy thủ đoàn tàu Naham 3 đã được trả tự do trong hôm 22/10, tuy nhiên không cung cấp thêm chi tiết về tình trạng sức khỏe của họ hay khoản tiền chuộc được trao trả.
Số con tin này sẽ được chuyển đi bằng một chuyến bay của LHQ và gửi trả về nước sở tại.
“Theo báo cáo, các con tin đều trong tình trạng sức giống nhau sau thời gian đầy thử thách” - ông Steed cho hay - “Tất cả bọn họ đều bị suy dinh dưỡng, 4 người đang phải điều trị thuốc men”.
Theo ông Steed, đội ngũ thủy thủ đoàn tàu Naham3 là các con tin có thời gian bị cướp biển Somalia giam giữ lâu thứ hai trên thế giới. Các con tin được ghi nhận bị nhóm này bắt cóc lâu nhất là 4 thủy thủ đoàn của tàu FV Prantalay 12, những người đã được trả tự do khi chỉ còn 2 tháng là được tròn 5 năm. Được biết cướp biển Somalia đã bắt cóc họ trên biển hồi tháng /2010 và trả tự do cho họ vào tháng 2/2015.
Cướp biển Somalia đã thu được hàng triệu USD tiền chuộc từ các vụ cướp tàu biển trong khu vực. Tuy tình trạng cướp bóc ngoài khơi Somalia đã giảm trong những năm gần đây, nhưng nó vẫn là một cơn ác mộng của các con tàu đi qua vùng biển này khi gây tổn hại về mặt kinh tế và nhân mạng.
Có lúc, tình trạng cướp biển tại đây đã gây tổn hại 18 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới do ảnh hưởng tới thương mại đường biển; theo ước tính của LHQ hồi năm 2013.