Sống ở cù lao Bảy Trúc
Khi nước sông Mê Kông đổ về Cù lao Bảy Trúc, ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu, huyện An Phú, là nơi đón đầu ngọn lũ của tỉnh An Giang. Nơi đây được xem là nơi ngập sâu nhất tỉnh, có 50 hộ dân sinh sống với khoảng 300 nhân khẩu. Cứ đến mùa nước nổi là khu vực này chìm trong biển nước.
Học sinh ở Bảy Trúc đi học mùa nước lũ.
Gập ghềnh đường đến trường
Khi nước sông Mêkông đổ về ào ạt, các tỉnh đầu nguồn sông Hậu như: An Giang, Đồng Tháp chính thức thông báo nước đã vượt báo động 3, trễ hơn so với mọi năm gần 2 tháng.
Chúng tôi tìm về kênh Bảy Trúc - nơi đầu sóng, ngọn gió của huyện vùng rốn lũ An Phú, nghe bà con kể về chuyện gian nan đường đến trường của những em học sinh ở xứ cù lao. Mỗi ngày, 4 lượt, sáng sớm, trưa, chiều, hàng chục em học sinh xứ cù lao Bảy Trúc tập trung tại bến đò xách cặp, mặc áo phao, lần lượt bước xuống đò đi học và quay về nhà.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hữu cho biết, Cù lao Bảy Trúc có khoảng 50 em học sinh đi học mỗi ngày. Để đảm bảo cho các em được đi học, UBND xã đã thuê người và phương tiện đưa rước các em miễn phí... Kinh phí của chương trình này do UBND huyện hỗ trợ, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường cũng như để phụ huynh yên tâm.
Anh Nguyễn Trúc Giang, 30 tuổi, ngụ ấp Phú Hiệp - người chạy đò đưa khách sang sông chia sẻ, mùa nước kiệt, chạy đò đưa khách ít nguy hiểm hơn mùa nước nổi. Từ trên đò, nhìn vào bờ, do mực nước lên cao nên anh có cảm giác như những ngôi nhà chìm trong biển nước, không còn phân biệt được con đường mòn dọc theo đọan sông.
Sau khoảng 20 phút rẽ sóng, con đò đã cập bến và các em học sinh lội bộ về nhà trong cơn mưa lất phất. Chúng tôi ghé vào một căn nhà lá ven con đường mòn trên cù lao Bảy Trúc. Ông Huỳnh Minh Trưng, 69 tuổi, người dân cố cựu ở “ốc đảo” này kể: 3 năm trở về trước, cứ đến mùa lũ, nước lên cao, nhà cửa bị ngập hết. Chính quyền buộc dân phải di dời đến khu dân cư vượt lũ, không cho ở như bây giờ.
Những năm gần đây, nước thấp hơn nền nhà nên bà con trụ lại. Người dân ở đây, mùa lũ vất vả lắm, không còn làm thuê, làm mướn gì được. Muốn đi đâu, phải chống xuồng, đi đến bến đò mới đi được. Đời sống người dân thiếu thốn do mỗi năm chỉ làm 2 vụ lúa. Đánh bắt cá thì mỗi ngày mỗi ít nên đã có khoảng 40% hộ bỏ làng đi tha phương, không biết đi đâu, giờ sống ra sao. Nhưng tội nhất là các em nhỏ vì đường đến trường vô cùng vất vả.
Em Huỳnh Phúc Linh, học lớp 12A1 Trường THCS - THPT Vĩnh Lộc cho biết, mỗi năm ở đây chỉ có vài người học phổ thông. Vì trường cách xa nên học sinh phải đi từ 5 giờ sáng, chạy xuồng máy rồi lấy xe đạp thêm 8 km nữa mới tới trường..
Dẫu vẫn còn rất nhiều khó khăn trong những tháng nước lũ. Thế nhưng với sự quyết tâm của các em và sự hỗ trợ tận tình của các cấp chính quyền địa phương, học sinh nơi vùng lũ vẫn kiên trì trên con đường tìm tri thức với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Gia đình ông Huỳnh Minh Trưng (Năm Trưng), 69 tuổi cho biết: “Lúc mới giải phóng dân ở cù lao này nghèo khó lắm nên nuôi con ăn học rất cực khổ. Gia đình tôi có đến 7 đứa con chỉ lo được 3 đứa ăn học. Những gia đình khác có con bỏ học giữa chừng do thiếu phương tiện đi lại và thuộc diện khó khăn không đủ điều kiện cho con đến trường.
Khó khăn là vậy nhưng theo ông Võ Tấn Hương, Trưởng ấp Phú Hiệp, toàn ấp có 1.025 hộ, với 4.760 nhân khẩu. Riêng Cù lao Bảy Trúc có 50 hộ, với 300 nhân khẩu. Vào năm 2014 và 2015 gia đình của ông Năm Trưng, Sáu Khang, Bảy Đăng, Tám Tề được công nhận là gia đình khuyến học. Tính đến thời điểm này, khu vực Cù lao Bảy Trúc có khoảng 45 em đỗ đại học.
Kiếm sống mùa nước nổi
Cứ bước chân ra là…đụng nước nên việc đi lại, học hành của người dân rất vất vả. Để có tiền cho con cái ăn học mỗi ngày, chi tiêu gia đình, hàng chục hộ dân phải làm đủ nghề từ chuyện hái bông điên điển, rau nhút, giăng lưới, bắt cá, đặt lợp....
Để hái được vài kí bông điên điển, phải đứng trên xuồng liên tục hàng giờ đồng hồ giữa đồng vắng nhưng chỉ thu được vài chục ngàn mỗi ngày.
Người dân ở Bảy Trúc đa phần là ít ruộng đất, mùa lũ thường dựa vào việc đánh bắt thủy sản trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên năm nay, bà con lại đau đáu khi việc đánh bắt cá trên đồng mùa nước nổi bị đánh thuế!
Ông Thanh bức xúc: “Mùa lũ bắt cá mà bị đóng thuế cho những người đấu thầu dù rất nhiều hộ dân có đất canh tác trên cánh đồng đó. Việc thu tiền thực sự là áp lực với người dân nghèo, bởi giăng 1, 2 tay lưới kiếm cá ăn cũng phải đóng thuế, còn giăng “chui” thì sẽ bị cuốn lấy hết”.
Nỗi bức xúc của ông Thanh cũng là nỗi niềm của người dân ở xóm cù lao này. Theo một người chuyên làm nghề đặt dớn thì, để đặt được 20 cái dớn trên đồng phải bỏ ra 1,5 triệu đồng đóng thuế và sẽ trả 50% vào tháng 10 âm lịch. Việc đặt dớn diễn ra trên đất ruộng nên mỗi ngày kiếm được 150 – 200 ngàn đồng nhưng phải là sức của 2 – 3 người trong gia đình. Giờ còn phải đóng thuế nữa thì người nghèo sống bằng gì?
Đi học và kiếm sống mùa nước lũ ở xứ cù lao Bảy Trúc này qủa thực quả gian nan.