Về miền trái ngọt

Nguyễn Thụy Vũ 24/10/2016 10:42

Xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) có địa thế nằm ven dòng sông Hậu ngọt ngào phù sa nên đất đai phì nhiêu, màu mỡ rất thích hợp cho việc phát triển vườn cây ăn trái. Thế nhưng do tập quán canh tác hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún nên thời gian qua địa phương này không phát huy được tối đa những lợi thế.

Việc tiêu thụ nông sản vẫn phụ thuộc vào thương lái thu mua nhỏ lẻ.

Ông Trần Văn Chên- Phó Chủ tịch UBND xã trăn trở: “Tôi mới đi siêu thị về thấy họ ghi giá xoài Đài loan là 59000 đồng/1kg, trong khi thương lái thu mua của nông dân chỉ có 9000 đồng một ký lô thôi đó’”.

Vẫn biết khi đưa nông sản từ nơi sản xuất đến tay người người tiêu dùng thì giá cả phải đội lên nhưng sự chênh lệch quá lớn như vậy là điều bất hợp lý.

Trong khi người nông dân phải một nắng hai sương, đầu tư tiền bạc, công sức và cả hứng chịu những rủi ro về thị trường, về thời tiết lại chỉ được hưởng một phần rất nhỏ thành quả họ làm ra”.

Theo ông Chên thì hiện nay qui trình để nông sản đến tay người tiêu dùng còn phải qua quá nhiều tầng nấc: người thu mua nhỏ, lẻ đến chủ vựa, chợ đầu mối rồi đưa ra bán lẻ trong các chợ, siêu thị mới đến người tiêu dùng.

Có lẽ vì vậy nên mặc dù xã Nhơn Mỹ được xác định là một trong những vùng sản xuất trái cây trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng nhưng đời sống người dân nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo lên đến 27,77% trong khi hộ giàu chỉ có 7,8%.

Con đường tráng xi-măng vừa được mở rộng đưa chúng tôi về với ấp Mỹ Tân - một ấp giàu của xã Nhơn Mỹ. Nông dân Quách Văn Hậu năm nay đã 60 tuổi đang bận trông coi nhân công thu hoạch mận An Phước.

Sở hữu 1,5 ha vườn cây ăn trái chuyên canh xoài, mận An Phước với thu nhập bình quân trên 2 trăm triệu đồng một năm, gia đình ông Hậu được xem như một trong những hộ khá giả ở địa phương.

Khi được hỏi về giá thu mua mận An Phước, ông cười tươi: 15000 đồng một ký vì mận đang nghịch mùa, với giá này thì người trồng có lãi đó, chú ơi!”. Đang vui, chợt ông thở dài: “Nhưng lúc mận vào chính vụ thì có khi giá cả lại rớt thảm hại, chỉ còn vài trăm đồng một ký.

Những lúc như vậy giá bán mận không đủ bù chi phí mướn nhân công thu hoạch nên người trồng đành bỏ mặc cho mận chín rụng xuống đầy mương vườn. Rồi theo con nước thuỷ triều lên xuống, mận trôi ra đỏ rực cả một dòng sông, nhìn muốn rớt nước mắt”.

Nông dân Dương Văn O (sinh năm 1961), một người được ví như “triệu phú” đất này cho biết, giá cả nông sản lên xuống thất thường là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhà vườn hiện nay.

“Gia đình chúng tôi vườn đất nhiều, có vốn liếng còn chịu đựng được chứ xứ này thiếu gì người chỉ có 5-7 công vườn sống không nổi nên vợ chồng, con cái phải bồng bế nhau lên TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương kiếm kế sinh nhai khác”, ông bảo vậy.

Trưởng ấp Võ Quốc Hận cho biết: “Với 2ha vườn và 1ha ruộng, thu nhập bình quân hàng năm của gia đình ông O lên đến gần 500 triệu đồng lận”.

Ông O cười hiền hậu: “Cũng nhờ vợ chồng tui biết chí thú làm ăn, chi tiêu tằn tiện, tích cóp từng đồng để dành tiền mua đất nên cuộc sống mới được như bây giờ chứ nhà nông mà ít đất thì sống khổ lắm, mấy chú ơi’’.

- Thế bây giờ anh chị còn có ý định mua thêm đất nữa không? Tôi hỏi.

Ông O mau mắn gật đầu: “Mua chứ sao không? Nói thiệt với chú vợ chồng tôi bây giờ đủ sức mua thêm vài mươi công nữa. Càng nhiều đất, càng nhiều vốn sẽ càng dễ tính đường làm giàu cho mình và tạo thêm công ăn việc làm cho người khác chứ rải đều ra mỗi nhà vài ba công thì chỉ có nước ôm nhau… chết chùm!’’.

Cái khó nhất hiện nay vẫn là việc tìm thị trường ổn định đảm bảo đầu ra của trái cây. Người dân ở đây khẳng định họ đủ sức đáp ứng những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng miễn sao sản phẩm của họ được bao tiêu với giá cả hợp lý.

Thế nhưng do các nhà vườn chưa tạo được mối liên kết với nhau để tạo ra sản phẩm chuyên biệt nên vẫn còn rất ít doanh nghiệp dám đầu tư, ký kết hợp đồng. Mô hình Hợp tác xã chuyên canh cây ăn trái nếu thực hiện tốt sẽ khắc phục được nhược điểm này.

Tuy vậy cái khó nhất hiện nay lại là câu chuyện về nhân sự. Luật Hợp tác xã không cho phép cán bộ, công chức địa phương tham gia Ban giám đốc. Còn theo nông dân thì: “Tụi tôi ít học, chỉ làm vườn bằng kinh nghiệm truyền đời đâu có được đào tạo gì về mua bán hay thị trường”.

Chia tay với vùng cây ngọt trái lành Nhơn Mỹ, chia tay với những người nông dân hồn hậu, dễ mến tôi cứ nghĩ, nếu mô hình hợp tác xã được thành lập chắc chắn người dân Nhơn Mỹ sẽ sớm thoát nghèo.

Nguyễn Thụy Vũ