Hà Giang: Lúng túng xây dựng hợp tác xã

Hà Giang 24/10/2016 10:41

Đến nay, sau 3 tháng so với thời điểm hạn cuối chuyển đổi hợp tác xã (HTX) theo Luật HTX năm 2012, tỉnh Hà Giang chỉ mới có gần 50% số HTX thành lập trước ngày 1/7/2013 tiến hành chuyển đổi theo luật HTX năm 2012. Hiện nay tỉnh này đang được coi là một trong những tỉnh có tỷ lệ chuyển đổi HTX thấp nhất cả nước.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Hà Giang mới có trên 40 HTX được thành lập mới, đặc biệt trong đó có 15 HTX toàn thôn được thành lập theo mô hình HTX thôn Chang, xã Việt Lâm (Vị Xuyên) theo kế hoạch 77/KH-UBND ngày 25-3-2016 của UBND tỉnh.

Nhiều HTX dù đã được chuyển đổi và hoạt động theo luật mới, được bổ sung điều lệ và phương án sản xuất mới nhưng vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Đánh giá về vấn đề này, theo lãnh đạo Liên minh HTX Hà Giang thì cần phải có lộ trình, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, nhiều HTX còn gặp lúng túng, chưa hình dung và hiểu hết được những quy định mới trong Luật HTX 2012.

Khảo sát gần đây cho thấy, ngoài việc không đại hội thành viên thường niên, đại hội nhiệm kỳ, thì còn là vấn đề góp vốn. Đến hết năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 31 HTX vay vốn tại các ngân hàng với tổng dư nợ trên 52 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh.

13 HTX tiếp cận và vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh của Quỹ Hỗ trợ phát tiển HTX của Liên minh HTX tỉnh với tổng dư nợ 3,4 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vay vốn của các HTX là rất lớn.

Hiện nay Hà Giang đang chủ trương nhân rộng mô hình HTX kiểu mới thôn Chang, nhưng được biết trong số 15 HTX toàn thôn đã ra mắt, chỉ có HTX dịch vụ tổng hợp thôn Chang và HTX sản xuất và dịch vụ tổng hợp Minh Thành, xã Trung Thành (Vị Xuyên) là đang đi vào hoạt động ổn định.

Những HTX còn lại vẫn chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh, ban giám đốc, ban kiểm soát HTX là những cán bộ quản lý thôn, chưa được tập huấn và chưa có năng lực quản lý mô hình phát triển kinh tế nên lúng túng trong việc “vận hành” để HTX hoạt động hiệu quả.

Mới đây, bên lề hội nghị sơ kết nhân rộng mô hình HTX thôn Chang, lãnh đạo một số huyện thờ ơ cho rằng: Việc thành lập các HTX toàn thôn nếu hiệu quả là điều tốt, nếu không hiệu quả thì không ảnh hưởng gì đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Đơn cử như ở Bắc Mê, theo thống kê, toàn huyện có 74 HTX; trong đó có 33 HTX nông-lâm-nghiệp; 14 HTX xây dựng; 27 HTX dịch vụ tổng hợp; tổng số hội viên tham gia HTX là 584 người; tổng vốn điều lệ là 34,2 tỷ đồng.

Qua đánh giá cho thấy, doanh thu hàng năm của các HTX đạt thấp chỉ khoảng 125 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của các xã viên đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Về trình độ cán bộ quản lý HTX, tổng số có 96 người, trong đó cán bộ quản lý có trình độ trung cấp 19 người, chiếm 17%, cao đẳng, đại học 6 người, chiếm 0,4% còn lại đều chưa qua đào tạo.

Qua rà soát, đánh giá cho thấy, hoạt động của các HTX trên địa bàn Yên Minh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, có tới 70% HTX đã dừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Trên cơ sở kết quả rà soát trong năm 2016, huyện Bắc Mê sẽ tiến hành giải thể bắt buộc 27 HTX, chuyển đổi 27 HTX theo luật HTX năm 2012.

Ông Đặng Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đối với huyện Bắc Mê, khó khăn lớn nhất đó là các HTX tự giải thể. Qua quá trình rà soát nhiều HTX không tìm thấy các trụ sở theo đăng ký, việc thu hồi các con dấu cũng rất khó khăn vì các trường hợp chuyển đi nơi khác và mang theo con dấu. Mặt khác, nhiều HTX được thành lập mang tính chất gồm các thành viên trong gia đình với nhau, khi làm ăn được thì tồn tại, khi không làm ăn được thì họ cũng rời khỏi địa phương, do đó đã gây khó khăn trong công tác giải thể.

Theo ông Đỗ Minh Huấn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thì các HTX kiểu mới dù hoạt động đúng theo Luật HTX năm 2012 nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Muốn các HTX hoạt động hiệu quả, chính quyền địa phương, ngành chức năng phải “cầm tay chỉ việc” bởi phần lớn các thành viên HTX đều là nông dân, tư duy sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, nhận thức về HTX kiểu mới chưa đầy đủ.

Hà Giang