Vườn cò trong phố
Vì yêu thiên nhiên, ông đã “thắt lưng buộc bụng” đầu tư đến cả tỷ đồng cải tạo vườn, xây cổng, tường bao vườn để tạo chỗ trú ngụ cho cò. Thậm chí ông vì mê cây, mê cò ông còn bỏ tiền lắp hệ thống camera ở khắp vườn để theo dõi, bảo cò.
Vườn cò nhà ông Xuyên.
Việc làm hơi “kì dị” này của ông chỉ với mong muốn người dân nâng cao ý thức và giữ gìn, bảo vệ môi trường. Đó là ông Nguyễn Huy Xuyên ở khu phố La Văn Cầu, thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách (Hải Dương).
Vừa chỉ tay về hướng có đàn cò đang đậu trắng vườn cây sanh ken lẫn với các bụi chuối xanh mướt, ông Xuyên kể: Khoảng 6 - 7 năm trước, một hôm, tôi nghe ở sau vườn có tiếng chim, cò vẳng lại. Tôi ra vườn để xem sự thể thế nào, thấy có mấy con cò trong vườn.
Tôi để ý quan sát thấy cứ ban ngày chúng bay đi kiếm mồi, chiều tối lại bay về đây trú ngụ. Dần dần chúng về đông hơn. Tôi nghĩ đất lành chim đậu, cò đậu là điều tốt lành, may mắn nên tôi dặn vợ, con không được bắt hay xua đuổi, cứ để chúng trú ngụ sinh sống.
Thấy có cò về nhiều, ông Xuyên vui lắm. Để hiểu hơn về cò và tập tính của cò, ông cũng bỏ công tìm sách viết về loài cò để tìm hiểu. Đọc sách, ông Xuyên mới biết trong vườn cò nhà ông có đến 5 - 6 loại cò, trong đó nhiều nhất là cò bợ (một loài cò bản địa), ngoài ra còn có cò ruồi, cò lửa, cò nhạn, cả vạc nữa.
Đến bây giờ, ông Xuyên khá hiểu chúng. Chẳng hạn như cò cá dạn người hơn, chúng thường ngủ ở rìa vườn và tự đi kiếm thức ăn một mình. Cò ốc rất nhát nên chúng thường đi thành từng đàn. Cò quắm thân hình cao to hơn, chúng thường kiếm thức ăn ở những ao, hồ rộng nên hay bị săn bắn.
Ông nói vui, kể cũng lạ, bình thường cò sống ở nơi hẻo lánh, nhưng chúng lại về trú ngụ ngay tại vườn cây trong phố ồn ã. Lạ cái chúng chỉ sống ở trong vườn cây nhà tôi, chứ các vườn nhà khác hoặc xung quanh đây chúng không ở. Có lẽ cò cảm nhận được đây là vùng “đất lành” có thể cứ trú ổn định, lâu dài chăng?
Để bảo vệ đàn cò, ông Xuyên xây cổng, tường bao vườn, thuê máy múc đào ao bốn xung quanh tạo thành đảo cò. Cẩn thận hơn, ông còn lắp hệ thống camera ở khắp vườn để theo dõi, bảo vệ đàn cò sát sao hơn. Cùng ông Xuyên, người dân khu phố La Văn Cầu cũng rất tích cực trong việc giữ gìn, bảo vệ đàn cò.
Cán bộ khu phố tích cực tuyên truyền, vận động người dân, nhất là thanh thiếu niên không vào săn bắn cò. Những gia đình có ruộng, khu phố cũng vận động bà con không dùng những loại thuốc sâu có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường sống của đàn cò.
Những việc làm thiết thực của ông Xuyên và của khu dân cư La Văn Cầu khiến người dân hiểu ý nghĩa của môi trường sinh thái với cuộc sống con người, dần dần ai cũng có ý thức giữ gìn bảo vệ đàn cò. Ông Xuyên cho biết: “Mấy năm nay, không còn cảnh săn bắt và xua đuổi cò nữa”.
Từ hồi có cò về sinh sống, cứ sáng sáng, chiều chiều người dân trong khu phố La Văn Cầu và thị trấn Nam Sách lại có dịp được ngắm từng đàn cò chao lượn trên bầu trời. Một khung cảnh độc đáo, thân thuộc, bình yên mà ngay cả nhiều làng quê cũng không có được.
Ông Xuyên mong muốn nơi đây sẽ là vùng sinh thái, điểm đến cho các cháu học sinh tìm hiểu về môi trường thiên nhiên. Qua đó giúp các em có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường.