Ngổn ngang vàng trang sức
Không quá ồn ào về cầu, không tạo được những đợt sóng về giá nhưng vàng trang sức âm thầm rút ruột người tiêu dùng bằng những sai phạm về ghi nhãn, gian lận về trọng lượng.
Ảnh minh họa.
Mới đây, một kết quả thanh tra của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, các vi phạm lĩnh vực kinh doanh vàng nữ trang diễn ra tràn lan.
Cụ thể, tính đến tháng 9/2016, đã có hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng bị phát hiện vi phạm, số tiền xử phạt lên tới 2,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tịch thu tới 4.000 mẫu vàng, tạm dừng lưu thông hơn 2.800 mẫu… do các sai phạm về ghi nhãn, có dấu hiệu gian lận về trọng lượng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ vi phạm về nhãn hàng hóa không đạt chiếm 59%; sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu (15%); khối lượng hàng hóa không đạt (2%); không công bố tiêu chuẩn áp dụng (14%); hàng hóa không đạt chất lượng (2,5%); vi phạm khác (7,4%). .
Trước đó Hiệp hội kinh doanh vàng cũng từng đưa ra trường hợp về gian lận trọng lượng. Đó là một sản phẩm vàng trang sức tại TP Cần Thơ được kiểm định có hàm lượng vàng là 65%, nhưng về tỉnh Bình Dương kiểm định còn 63% và thậm chí đến TP HCM chỉ còn 61%. Như vậy, cùng một sản phẩm nhưng cho ra đến 3 chất lượng khác nhau, và không biết chất lượng nào đúng chuẩn?
Để quản thị trường vàng, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2012/TT-NHNN, Bộ KHCN ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, thế nhưng thị trường vàng nữ trang vẫn thiếu tuổi. Theo nội dung Thông tư 22, kể từ 1/6/2014, hàm lượng vàng trong trang sức, mỹ nghệ vàng 24k không nhỏ hơn 99,9%, 20k không nhỏ hơn 83,3%, 18k không nhỏ hơn 75%...
Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ như sau: vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên là 0,1%, vàng hợp kim có hàm lượng từ 80% đến dưới 90% là 0,2%, vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80% là 0,3%; vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức...
Thế nhưng nhìn vào kết quả mà Bộ KHCN công bố cho thấy tình trạng rút ruột tuổi vàng khá phổ biến. Ông Nguyễn Thành Long- Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng nhấn mạnh: Tình trạng gian lận tuổi vàng, thiết bị cân đo không đạt chuẩn vẫn còn khá phổ biến.
Trên thực tế, Bộ KHCN đã chỉ định nhiều đơn vị đủ tiêu chuẩn xác định hàm lượng vàng, đó là các trung tâm thuộc Tổng cục Đo lường chất lượng, các đơn vị trực thuộc của Doji, PNJ, SJC… Tuy nhiên, người dân vẫn ngại đi giám định, phó thác toàn bộ niềm tin vào các cơ sở kinh doanh vàng.
Nhiều cơ sở kinh doanh vàng, nhất là cơ sở nhỏ lẻ đã gian lận chất lượng, hàm lượng vàng để kiếm lời. Tình trạng vàng thiếu tuổi diễn ra hầu như phổ biến ở khắp các tỉnh, thành phố. Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành kim hoàn Việt Nam trong thời kỳ hội nhập
Được biết NHNN đang giao cho các đơn vị chức năng đánh giá, tổng kết lại toàn bộ chính sách quản lý thị trường vàng từ khi Nghị định 24 ra đời.
Theo đánh giá ban đầu, Nghị định 24 đã giúp quản lý tốt thị trường vàng miếng, song thị trường vàng nữ trang vẫn còn nhiều lỗ hổng. Sau khi có đánh giá đầy đủ, NHNN sẽ đề xuất các giải pháp tiếp theo với quản lý thị trường vàng, trong đó có thị trường vàng nữ trang.