Thăm dò dấu vết lăng mộ vua Quang Trung: Phát lộ nền móng của công trình kiến trúc lớn
Viện Khảo cổ học, Sở VHTT&DL Thừa Thiên - Huế và Bảo tàng lịch sử địa phương này đã công bố kết thúc đợt thăm dò dấu vết nghi lăng mộ vua Quang Trung tại khu vực gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế).
Tại hố khai quật khảo cổ học số 5. Ảnh TL.
Theo PGS. TS Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học: Đợt khảo cổ này đã cho thấy dấu vết một nền kiến trúc rộng lớn. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu tiếp thì mới có thể kết luận được đó là thành, tường hay biểu hiện của tường thành.
PGS.TS Bùi Văn Liêm- người chủ trì cuộc thăm dò cho biết, tất cả 5 hố thăm dò đã được mở đúng theo trình tự, thời gian mà Bộ VHTT&DL đã đề ra.
Trong tất cả các hố, thì hố thứ 5 có nét đặc biệt so với các hố còn lại. Tại hố thứ 5, khi đào đến độ sâu khoảng 0,2 m các nhà khảo cổ học phát hiện dấu vết gồm nhiều tảng đá nằm vuông góc với nhau, có hình dạng chữ L.
Riêng đoạn cuối lớp đá có một lớp vôi tiếp nối, cùng với lớp đất lạ giống như cát vàng và sỏi.
Ngay sau đó, đoàn quyết định cho mở hố phụ sang cạnh nhà một hộ dân khác để tiếp tục tìm kiếm các dấu tích. Tại hố phụ này, đoàn phát hiện nền đá xếp chồng lên nhau.
Theo đánh giá của các chuyên gia khảo cổ tại hiện trường, nền đá ở hố số 5 cho thấy từng có sự xuất hiện của một công trình kiến trúc lớn ở khu vực này.
Có ý kiến cho rằng nền đá này có liên quan đến các kiến trúc khác như Phủ, Cung điện Mùa đông, thành, tường thành… của Hoàng đế Quang Trung. Nhưng theo ông Liêm phải cần nghiên cứu kỹ, nếu kết luận ngay là hơi vội.
Theo đó, những mẫu khai quật được, tất cả cần phải phân tích mẫu, nghiên cứu đối sánh...
Ông Liêm cho hay sẽ kiến nghị các cấp thẩm quyền mở rộng diện tích khai quật để biết được chiều rộng, chiều dài của nền đá này.
Cùng với đó, cần có sự vào cuộc của các bộ môn khoa học khác như địa chất, lý hóa mới có thể đưa ra kết luận ban đầu.
Trước mắt, sẽ bảo tồn hố số 5 này bằng cách che bạt, sau đó lấp cát để tạo ra lớp khác biệt, tiện cho việc tiếp tục nghiên cứu sau này.
Như vậy, 4 hố thăm dò ở chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước và nhà ông Nguyễn Hữu Oánh chính thức được lấp lại như hiện trạng ban đầu.
Riêng ở hố số 5 tại số nhà 13/120 Điện Biên Phủ (TP Huế) sẽ được lấp theo phương án bảo tồn.
Có mặt tại buổi công bố kết thúc đợt thăm dò, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - người từng xác định có sự tọa lạc cung điện Đan Dương của vua Quang Trung, và cũng là nơi chôn cất thi hài vua sau khi qua đời ở khu vực gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế) thực sự vui và xúc động.
Ông Xuân nói rằng, những phát hiện một hệ thống kiến trúc đá bị chôn sâu dưới lòng đất trùng với cơ sở nghiên cứu mà ông đã bỏ công hàng chục năm tìm tòi, nghiên cứu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khẳng định, vùng đất gò Dương Xuân có một kiến trúc lớn đang bị chôn vùi. Ông đề nghị các ngành chuyên môn nên tiếp tục thực hiện nghiên cứu dẫu gặp nhiều khó khăn.
Ông Cao Huy Hùng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh cho biết, tất cả các hiện vật phát hiện được trong quá trình thăm dò khảo sát gò Dương Xuân sẽ được đưa về bảo tàng để vệ sinh, sắp xếp cẩn thận trước khi chuyên gia can thiệp về mặt chuyên môn.
Riêng những hiện vật trên bề mặt đất sẽ được tập trung về một điểm, phối hợp cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trưng bày để người dân, du khách có thể tham quan.
Tròn một năm trước đó, ngày 30/10/2015, Sở VHTT&DL Thừa Thiên - Huế cũng tổ chức hội thảo khoa học cung điện Đan Dương triều Tây Sơn tại Huế. Tại hội thảo, nhà nhiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, cung điện Đan Dương được xây dựng gần chùa Vạn Phước, Thiền Lâm, ngay gò Dương Xuân.
Dưới cung điện là nơi chôn cất vua Quang Trung. Sau đó, Bộ VHTT&DL cho phép Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò tại gò Dương Xuân (Trường An, TP Huế) với diện tích 22m2.
Viện Khảo cổ học cho biết, đoàn sẽ có kết luận ban đầu vào khoảng tháng 12/2016 cho tỉnh Thừa Thiên - Huế. Và khoảng 1 năm sau sẽ có báo cáo chính thức ở cấp Trung ương.
Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm, qua phát hiện ở cả 5 hố có các hiện vật như đồng tiền xu, đồ bằng sắt, bằng sành sứ, mảnh gạch, mảnh ngói… như dạng đồ dùng sinh hoạt. Đặc biệt ở hố số 5 đào được dấu tích một nền đá có biểu hiện kéo dài với chiều rộng 5,5 mét, chiều dài chưa xác định, phía trên lớp nền đá có một đoạn có cát vữa...