Đưa gần 400 học viên cai nghiện bỏ trốn trở về
Trước đó, đêm ngày 23 rạng sáng ngày 24/10, hơn 500 học viên cai nghiện ở Trung tâm cai nghiện Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đã đồng loạt bỏ trốn.
Đã gom lại gần hết số học viên cai nghiện bỏ trốn ở Đồng Nai.
Chiều 24/10, theo tin từ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, bên cạnh việc ráo riết truy tìm thì đơn vị này còn phối hợp cùng các lực lượng công an, dân quân địa phương tuyên truyền, kêu gọi người cai nghiện nhanh chóng trở về trung tâm.
Nhiều đối tượng quá khích
Theo đại diện Trung tâm cai nghiện Đồng Nai, đây là trung tâm cai nghiện bắt buộc nhưng các học viên không phải là tội phạm ma túy nên không bị quản thúc. Các học viên vẫn được sinh hoạt khá bình thường trong khuôn viên.
Mới đây, Trung tâm này có tiếp nhận thêm khoảng 200 học viên cai nghiện mới. Trong số này nhiều người từng có tiền án tội phạm ma túy (nhưng bị đi cai nghiện ở chế độ khác) nên rất ma mãnh.
Vào đêm hôm xảy ra sự cố, một số học viên nam đã không chấp hành nội quy, đập vỡ bóng điện, cửa sổ, cửa chính đồng thời gây chảy máu, la hét gây rối. Từ đó, nhiều học viên khác cũng bị kích động, tập hợp lại rất đông, lên đến vài trăm người.
Mặc dù lực lượng bảo vệ đã sử dụng súng bắn chỉ thiên nhưng những đối tượng này vẫn tiếp tục đập phá một số tài sản khác của Trung tâm và nhân viên trong Trung tâm.
Vì vậy, để đảm bảo tình hình, Trung tâm buộc phải để các học viên cai nghiện tràn ra đường bằng cổng chính đồng thời liên lạc với lực lượng công an, cảnh sát địa phương để tìm phương án ứng phó.
Nhiều học viên nữ cai nghiện không muốn bỏ trốn cũng bị các kẻ quá khích ép buộc, bắt phải trốn ra ngoài”- một bảo vệ cho biết.
Được biết, sau khi ra khỏi trung tâm cai nghiện vào sớm ngày 24/10, hàng trăm học viên đã men theo các tuyến đường nhỏ để vào nhà dân xin tiền, chặn xe người đi đường cũng như chạy tới Quốc lộ 1A cách đó khoảng 3 cây số để tìm cách đi nhờ xe về trung tâm TP Hồ Chí Minh.
Theo một nhân chứng ở gần hiện trường, mặc dù đêm tối nhưng các học viên cai nghiện bỏ trốn đã làm náo loạn khu vực này. Nhiều lái xe tải đường dài, xe khách đường dài… bắt gặp người nghiện vẫy tay xin đi nhờ xe nhưng không hợp tác.
Về phía lực lượng chức năng, ngay khi nhận được tin báo sự cố, hàng trăm công an, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông cùng dân quân địa phương đã phối hợp, phong tỏa các tuyến đường, chia cắt khu vực để đưa các học viên cai nghiện trở lại.
Xác định đối tượng cầm đầu
Cuối giờ chiều ngày 24/10 khoảng 400 học viên cai nghiện bỏ trốn đã được đưa trở lại Trung tâm. Trong số này, cơ quan chức năng xác định có 3 đối tượng cầm đầu, gây rối kích động vụ việc trên. Đó là các đối tượng Võ Đình Huân (31 tuổi), Trần Ngọc Dũng (26 tuổi) và Đậu Đức Nghĩa (30 tuổi).
Theo tìm hiểu, cả 3 đối tượng này bị đưa đi Trung tâm nhiều lần nhưng tiếp tục tái nghiện. Đặc biệt, cả 3 đều là học viên mới được đưa vào đây nên chưa quen nếp sống, chưa dứt được cơn nghiện nên cảm thấy khó chịu, tìm cách trốn ra ngoài.
Vì vậy, cả 3 đối tượng đã cấu kết, đập phá đồng thời gây rối, kích động các học viên khác để lợi dụng tình hình hỗn loạn tìm cách bỏ trốn. Tuy nhiên, cả 3 đối tượng trên đều đã bị đưa trở lại Trung tâm cai nghiện.
Học viên trốn trại do tâm lý sợ ra toà
Xung quanh vụ việc hơn 500 học viên của Trung tâm cai nghiện Đồng Nai phá trại bỏ trốn, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 24-10, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, do việc tuyên truyền của các cán bộ tại đây chưa tốt khiến các học viên có tâm lý lo sợ phải ra tòa, chứ không có chuyện do thiếu thốn về cơ sở vật chất.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ngay sáng 24/10 đã có hơn 300 học viên quay trở lại. Cơ quan chức năng đang phối hợp, vận động từng gia đình để vận động các học viên còn lại quay trở lại.
Nguyên nhân ban đầu, theo Bộ trưởng Dung, theo quy định đối với những học viên nghiện có gia đình, thông thường thì sẽ cai nghiên ở cộng đồng. Chỉ những người không có gia đình mới đưa vào trại.
Nhưng trong số những người có gia đình, nơi cư trú cụ thể, nhiều người bị nghiện, ngáo đá, nếu để ở cộng đồng thì rất phức tạp. Chính vì vậy các cơ quan chức năng, vận động tìm cách đưa các em vào cơ sở cai nghiện, điều này cũng được xuất phát từ mục đích nhân đạo.
Bên cạnh đó, có nguyên nhân từ việc tuyên truyền giải thích chưa đến nơi đến chốn. Khi vào trại cai nghiện, nhiều học viên nảy sinh tâm lý mình phải ra tòa, đưa đi cai nghiện bắt buộc từ 12 đến 24 tháng, sau đó lại phải tiếp tục giai đoạn sau cai.
Theo ông Đào Ngọc Dung, có thể những người này nghĩ mình đã ra tòa sẽ là có tội nên tâm lý chung là rất sợ. Cũng có thể do giải thích của cán bộ nhân viên chưa đến nơi đến chốn, làm gây ra tâm lý bức xúc. Bộ đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương rút kinh nghiệm từ lần ở Vũng Tàu, Hải Phòng…
Tuy nhiên việc tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn, gây tâm lý ức chế cho học viên. Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết, cũng có nguyên nhân từ việc quá tải.