Không nới trần nợ công

Trần Châu Linh 25/10/2016 00:10

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định: “Dứt khoát phải khống chế trần nợ công không vượt quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ quốc gia không quá 55% cho đến tận năm 2020”.

Không nới trần nợ công

Ảnh minh họa.

Ý kiến của Phó Thủ tướng ngay sau đó đã được các chuyên gia và giới truyền thông nhiệt thành tán thưởng. Vì, nếu không kịp thời chấn chỉnh, nghiêm túc nhận định và có những quyết sách quyết liệt, kịp thời với vấn đề nợ công, không chỉ để đảm bảo sự an toàn cho nền kinh tế mà chúng ta có thể sẽ để cho con cháu “oằn lưng” với nợ nần!

Thống kê chưa đầy đủ, tổng số nợ công của đất nước ta hiện nay là khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, trong đó chưa tính nợ của các DNNN, nợ xây dựng cơ bản từ các bộ ngành địa phương.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, trong một hội thảo về vấn đề nợ công cách đây vài tháng đã nói: Tôi hết sức lo lắng về tình hình nợ công và lo ngại xảy ra kịch bản xấu đối với nợ của Việt Nam.

Nếu tính đủ các khoản nợ từ cấp xã đến nợ xây dựng cơ bản của các bộ ngành, địa phương, nợ của doanh nghiệp nhà nước… thì nợ công của VN có lẽ lên đến 110-120% GDP, khoảng trên 4,5 triệu tỉ đồng.

Do đó, để kiểm soát nợ công, trước tiên chúng ta phải lưu ý kỷ luật ngân sách, bởi không có nước nào chi tiêu ngân sách lại dễ dàng, tùy tiện đến thế. Ngoài ra, đã đến lúc phải làm bản đề án về tái cơ cấu ngân sách, gắn với việc giảm hẳn bộ máy cồng kềnh hiện nay, chỉ đầu tư vào dự án hiệu quả, không chấp nhận chuyện tăng vốn đầu tư dự án chậm tiến độ, thua lỗ, kém hiệu quả.

Và mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, trong 5 năm tới cần có nguồn lực đầu tư gấp 5 lần hiện nay, tức là vào khoảng 10 triệu tỷ đồng. Liệu việc huy động con số này có khả thi không, bởi nếu nhìn từ khu vực nhà nước thì kinh phí từ Trung ương mới có 1,2 triệu tỷ đồng và các địa phương là 880 nghìn tỷ đồng? Điều này không quá khó diễn đạt, vì nếu cứ nhân lên tổng mức huy động toàn xã hội khoảng 30% GDP.

Mỗi năm 220 tỷ USD thì 5 năm được bao nhiêu rồi tính 30% của số đó thì sẽ ra con số huy động nguồn lực. Tính toán thì sẽ thấy ngay con số. Và chắc chắn, nếu không kịp “ghìm cương” nợ công, sẽ không khó nhận ra viễn cảnh nhiều chục năm nữa con cháu chúng ta phải loanh quanh... trả nợ!

GS TS Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng từng lo ngại rằng, trong những năm gần đây, tỉ lệ nợ công, đặc biệt là nợ Chính phủ trên GDP tăng rất nhanh, chi phí trả nợ ngày càng cao… đang đe dọa đến khả năng trả nợ của Chính phủ. Một số khoản vay do Chính phủ bảo lãnh không thu xếp được nguồn trả nợ khi đến hạn.

Hãy tính toán sơ bộ: Từ năm 2013 đến nay, chúng ta đã phải đi vay nợ mới để trả nợ cũ, như năm 2105 là 125.000 tỉ đồng. Tốc độ vay nợ giai đoạn 2010 – 2015 bình quân 16,7% GDP nhưng có năm lên đến 31%, đó là chưa tính nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ xây dựng cơ bản của địa phương, bộ ngành…vào nợ công.

Cái này, “nôm na” như kiểu vay lãi để trả lãi (còn gốc vẫn giữ nguyên!). Và thế là một khoản vay cụ thể nào đó, vẫn nguyên xi. Đó là chưa tính việc lãi suất vay quá cao, hơn 55% số tiền vay ở trong nước với lãi suất bình quân 7,1%/năm. Rõ ràng nếu không chấn chỉnh và xử lý kịp thời, vấn đề càng khó khăn.

Vì nếu bình tĩnh tính toán sẽ thấy: Hiện tổng nợ vay là 133 tỉ USD (khoảng 2,7 triệu tỷ đồng) với lãi suất vay hiện nay thì 10 năm tới, tổng nợ công sẽ tăng gấp đôi.

Do đó, để quản lý nợ công theo hướng bền vững phải nhận diện đúng thực trạng, rằng nợ công của đất nước ta hiện nay là bao nhiêu, đã tới mức báo động chưa, khả năng trả nợ thế nào, kết quả mang lại cho nền kinh tế đã tương xứng với số tiền đi vay và lãi phải trả chưa…

Có lẽ vì thế chăng mà theo phân tích của Phó Thủ tướng, vấn đề nới hay không nới trần nợ công đã được bàn thảo khá nhiều cả ở các nhà quản lý cũng như giới chuyên gia và đều theo nguyên lý chung nhà đang nghèo, đất nước đang khó khăn chưa có của ăn của để, phải đi vay để phát triển.

“Nhiều người cũng nói rằng tại sao các nước phát triển nợ công hơn 100%, thậm chí 200% mà mình lại cứ chốt 65%? Cái này Chính phủ tính toán kỹ, trần nợ công quan trọng nhưng không phải là tất cả, mà khả năng trả nợ mới là quan trọng. Năm 2016, 2017 là cực đỉnh của nợ, vì vậy nếu nới trần thì áp lực trả nợ sẽ lớn hơn rất nhiều” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Đây là quyết tâm của Chính phủ và đã trình với Quốc hội.

Và tất nhiên, quyết sách đó đã rất hợp lòng dân, cũng như thuyết phục nhiều người am tường, quan tâm!

Trần Châu Linh