Tội phạm hung tợn hay lỗ hổng quản lý?

Lê Anh Đức 25/10/2016 10:10

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Bộ Công an và UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra truy bắt nghi can vụ xả súng làm 3 người chết và nhiều người bị thương, tại tiểu khu 1536 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) vào sáng ngày 23/10. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra nổ súng khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương, khiến dư luận hết sức lo lắng với loại tội phạm có tổ chức, manh động, táo tợn, liều lĩnh này.

Tội phạm hung tợn hay lỗ hổng quản lý?

Ảnh minh họa.

Hiện, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra thảm án trên. Song, cho dù là do nguyên nhân gì đi chăng nữa thì việc ngang nhiên vác súng đến khu sản xuất đông người xả súng cho thấy các đối tượng gây án hết sức táo tợn, hung hãn và coi thường pháp luật. Nếu như bất cứ sự tranh chấp nào cũng được giải quyết bằng súng thì còn đâu kỷ cương phép nước.

Do vậy, các đối tượng gây án cần sớm bị đưa ra xét xử, không chỉ để tỏ rõ sự nghiêm minh của pháp luật mà còn để răn đe, trấn áp những người đã, đang và sẽ có ý định manh động trên.

Còn nhớ, cuối năm 2008, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cũng đã xảy ra một vụ nổ súng hoa cải khiến 6 người thiệt mạng. Do tranh chấp địa bàn làm ăn giữa hai băng nhóm xã hội mà 6 nạn nhân đã bị bắt trói đem đến nơi vắng người qua lại là khu vực cảng của Công ty CP Cảng Làng Khánh (Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) để “xử tử”.

Điều khác nhau duy nhất giữa hai vụ án mạng này là 6 nạn nhân của vụ án trên bị hành hình ở nơi vắng người qua lại - đồng nghĩa với việc các đối tượng phạm tội vẫn còn biết sợ bị các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, còn các đối tượng gây án ở Đắk Nông thì ngang nhiên như thách thức pháp luật.

Nói đến hành vi phạm tội một cách ngang nhiên như kiểu thách thức pháp luật hẳn chưa ai quên việc Trưởng Công an TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đã bị các đối tượng vác súng tới tận nhà truy sát.

Hay như vụ hỗn chiến xảy ra tại đường 25/4 (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vào đêm 30-6, một đối tượng đã ngang nhiên rút súng bắn vào nhóm đối thủ khiến một người trọng thương.

Trước đó 4 tháng cũng đã xảy ra vụ đấu súng giữa hai nhóm thanh niên, tại khu vực trang trại Hoa Đồng Ho (xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) khiến 6 người bị thương.

Đặc biệt, vụ án Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái Đỗ Cường Minh mang súng được trang bị để bảo vệ rừng vào tận phòng sát hại Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh thì quả thật là... xưa nay hiếm.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, trong cuộc họp thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Ủy ban An ninh - Quốc phòng Quốc hội, một số ý kiến cho rằng hiện chúng ta đang có lỗ hổng lớn về quản lý vũ khí và vật liệu nổ dẫn đến một số vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng.

Nhận định trên không hề sai khi mà ngày càng có nhiều vụ “nói chuyện” với nhau để giải quyết mâu thuẫn bằng... súng, khiến dư luận xã hội không khỏi cảm thấy lo lắng, bất an.

Cách đây chỉ khoảng hơn chục năm thôi, việc sở hữu vũ khí quân dụng, vật liệu nổ là vô cùng khó, đừng nói đến chuyện dùng các loại hung khí này để giải quyết mâu thuẫn.

Vào thời điểm đó, không phải là không có các loại súng nhập lậu qua biên giới từ một số nước bên cạnh, cũng không phải là các loại vũ khí nóng này quá đắt khiến các đối tượng tội phạm không thể mua nổi.

Đơn giản là lúc đó, người ta còn biết sợ sự trừng phạt của pháp luật, cùng với đó việc kiểm soát gắt gao của các cơ quan chức năng khiến việc tàng trữ, sử dụng vũ khí nóng là chuyện không thể.

Nói như vậy không có nghĩa là hiện nay các cơ quan chức năng không làm tròn nhiệm vụ được giao. Song, thẳng thắn và công tâm mà nói, so với hơn chục năm về trước, các đối tượng tội phạm hiện nay cũng dễ dàng hơn trong việc sở hữu vũ khí quân dụng và vật liệu nổ, hay chí ít là các loại súng tự chế bắn đạn hoa cải.

Đã là con người ai mà chẳng có hỉ - nộ - ái - ố, khi hỏa bốc lên đầu sẽ khiến người ta cả giận mất khôn, cộng với việc có sẵn vũ khí nóng trong người thì rất dễ manh động.

Thế nên, ngoài việc các loại tội phạm ngày càng hung tợn, manh động và liều lĩnh dẫn đến nhiều vụ nổ súng, thì cũng có nguyên nhân không nhỏ là những lỗ hổng trong quản lý vũ khí quân dụng, vật liệu nổ và súng tự chế.

Muốn giảm thiểu tiến tới đẩy lùi nạn nổ súng bừa bãi cần mạnh tay hơn trong việc răn đe, trấn áp các loại tội phạm, đồng thời với đó là việc siết chặt quản lý vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, vũ khí tự chế...

Nếu cần, có thể quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để xảy ra những vụ nổ súng bừa bãi như trong thời gian vừa qua.

Lê Anh Đức