Giữ thương hiệu nước mắm truyền thống
Ngày 24/10, Hội Lương thực thực phẩm TP HCM tổ chức Hội thảo “Trao đổi một số thông tin trong sản xuất nước mắm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Thông tin từ hội thảo cho biết, mỗi năm người tiêu dùng Việt Nam tiêu thụ khoảng 200 triệu lít nước mắm, trong đó 50 triệu lít là nước mắm nguyên chất (nước mắm truyền thống).
Cũng trong sáng 24/10, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh lập Đoàn Thanh tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas). Trước đó, ngày 17/10, Vinastas đã công bố kết quả kiểm tra 150 mẫu nước mắm với “hơn 67% không đạt chỉ tiêu arsen tổng”.
Nước mắm truyền thống thương hiệu Phú Quốc đã tồn tại lâu năm.
Đại diện các hiệp hội nước mắm trên cả nước mong muốn các bộ ngành liên quan sớm xử xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống trong nước.
Doanh nghiệp điêu đứng
Ngày 24/10, Hội Lương thực thực phẩm TP HCM tổ chức Hội thảo “Trao đổi một số thông tin trong sản xuất nước mắm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. Tại hội thảo, đại diện các hiệp hội cho hay, với tuyên bố một cách chung chung Arsen là chất cực độc đã làm cho người tiêu dùng hoang mang.
Theo đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang chối bỏ nước mắm truyền thống. Cụ thể, một vài siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã thông báo tạm dừng mua mặt hàng này.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM thông tin, trong suốt thời gian diễn biến về thông tin nước mắm truyền thống nhiễm Arsen doanh nghiệp rơi vào tình trạng điêu đứng.
Ông Nguyễn Hữu Đức - Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP HCM chia sẻ, Arsen hữu cơ có trong biển rất nhiều nên tất cả các sinh vật sống ở biển từ cá, tôm, cua, ốc,... đều có Arsen.
“Từ trước đến nay chưa có vụ nào ngộ độc xác định vì nước mắm. Nếu có thì do người ta pha chế các chất khác vào tạo ra loại nước mắm có nhiều thành phần chứa các hàm lượng không tốt cho sức khỏe, hoặc nước mắm chế biết từ cá tôm có chứa các Arsen ở mức vượt nguy hiểm do biển ô nhiễm.
Cách chế biến nước mắm truyền thống bằng hình thức ủ cá cài lẫn muối để mất đi mùi tanh”, ông Nguyễn Hữu Đức lý giải. Cũng theo ông Đức, cách ủ cá lẫn muối là phương pháp giữ lại các loại axit amin vốn có trong cá.
Liên quan đến công bố của Vinastas về nước mắm, các hiệp hội cho rằng, thông tin này gây nhầm lẫn giữa Arsen hữu cơ (không độc) luôn có mặt trong cá biển và Arsen vô cơ (rất độc).
Bảo vệ nước mắm truyền thống
Nước mắm là sản phẩm truyền thống gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam được người tiêu dùng sử dụng rộng rãi hàng trăm năm nay. Từ khi hội nhập vào kinh tế thế giới một số nhãn hàng nước mắm truyền thống đã xuất khẩu đến nhiều nước.
Chính vì thế mà theo các hiệp hội nước mắm, việc khẳng định nước mắm độ đạm càng cao, tỷ lệ nhiễm Arsen càng lớn tác động trực diện và gây hậu quả khá nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm truyền thống này, Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội nước mắm Nha Trang và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cùng nhau công bố chương trình hành động chung nhằm bảo vệ ngành sản xuất nước mắm truyền thống.
Ngoài việc chung tay bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống, các hiệp hội còn kiến nghị về việc xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống Việt Nam.
Trước đó, Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội nước mắm Nha Trang, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ gây thiệt hại của kết quả công bố từ khảo sát do Vinastas, đồng thời có biện pháp xử lý phù hợp để không tiếp tục xảy ra trương hợp tương tự; xử lý nghiêm hành vi phát tán trái phép danh sách các nhãn hàng nước mắm có hàm lượng Arsen thực chất là không gây hại theo quy định tại “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm của Bộ Y tế” (QCVN 8-2:2011/ BYT) nhưng gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống.
Đồng thời, sớm đưa ra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm, đưa ra nhiều quy định về hóa chất phụ gia không phù hợp với nước mắm truyền thống.
Đặc biệt, các hiệp hội còn kiến nghị nên giao và ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật cho nước mắm sang cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phù hợp với chuyên môn.