Trao 'cần câu', không trao 'con cá'

Anh Vũ 25/10/2016 10:30

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được MTTQ Việt Nam phát động từ tháng 10/2000 để kêu gọi sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức các nhà hảo tâm cho người nghèo. Từ đó đến nay MTTQ Việt Nam cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các địa phương tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho người nghèo để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Những thành tựu mà cuộc vận động mang lại có ý nghĩa quan trọng về chính trị - xã hội và nhân văn.

Trao 'cần câu', không trao 'con cá'

Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất- điều kiện quan trọng giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.

Xây dựng gần 1,5 triệu nhà đại đoàn kết cho người nghèo

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, qua hơn 15 năm triển khai xây dựng, quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã huy động được số tiền trên 11.000 tỷ đồng, trong đó tập trung ở quỹ các cấp tỉnh, thành phố; còn quỹ “Vì người nghèo” Trung ương hàng năm cũng vận động được bình quân từ 8 đến 10.000 tỷ đồng. Những nguồn lực huy động được đã kịp thời hỗ trợ cho người nghèo.

Bằng nguồn quỹ các cấp, trong 15 năm qua đã xây dựng và sửa chữa nhà hơn 1,4 triệu nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Riêng trong 9 tháng năm 2016, bằng nguồn quỹ Vì người nghèo và các nguồn lực đóng góp, Mặt trận các cấp đã xây dựng và sửa chữa trên 34.000 căn nhà cho hộ nghèo, nâng tổng số nhà đại đoàn kết là gần 1,5 triệu căn nhà cho người nghèo, giúp họ ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn rất cao. Ước tính trên địa bàn cả nước còn khoảng hơn 2,3 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 9%, bên cạnh đó hộ cận nghèo còn tỷ lệ tương đối lớn với 1,2 triệu hộ.

Trong năm 2016 và 2017, việc vận động quỹ “Vì người nghèo” sẽ tập trung chủ yếu hỗ trợ người nghèo 5 nội dung là xây dựng nhà ở, đảm bảo cho người nghèo có nơi ở ổn định; hỗ trợ công cụ, tư liệu sản xuất cơ bản để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống; hỗ trợ học bổng cho con em người nghèo; hỗ trợ cho người nghèo khi bị ốm đau, phải điều trị nằm viện dài ngày; thăm hỏi động viên người nghèo vào những ngày lễ tết.

“Mục tiêu hỗ trợ của quỹ Vì người nghèo trong những năm tiếp theo không phải chỉ dừng lại ở chỗ xây cho người nghèo một căn nhà, hỗ trợ cho họ một khoản tiền mà còn phải giúp cho họ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông tin xã hội, cuộc sống để biết cách thức làm ăn, có nghị lực vươn lên.

MTTQ Việt Nam cũng sẽ phối hợp với các tổ chức thành viên để có những hoạt động hỗ trợ, tư vấn dạy nghề cho hộ nghèo để họ có điều kiện, cơ hội, có công ăn việc làm vươn lên trong cuộc sống. Mục tiêu là giảm nghèo bền vững, chúng ta không đem “con cá” đến cho người nghèo mà trao cho họ “cần câu” - Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định.

Vận động thường xuyên, tạo sự sẻ chia

Để vận động ủng hộ quỹ Vì người nghèo, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Nối vòng tay lớn” vào ngày 31/12 hàng năm để vận động ủng hộ người nghèo.

Chương trình đã nhận được sự quan tâm ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hằng năm đều tiếp nhận được một khoản tiền rất lớn để hỗ trợ cho người nghèo.

Bên cạnh đó, quỹ Vì người nghèo còn nhận được sự ủng hộ của các tập đoàn, các doanh nghiệp bằng các chương trình an sinh xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, qua quá trình thực hiện, chương trình “Nối vòng tay lớn” cũng nảy sinh một số vấn đề làm cho dư luận băn khoăn. Dư luận đặt câu hỏi chương trình hằng năm tiếp nhận nguồn ủng hộ lớn như vậy nhưng tại sao con số hỗ trợ từ quỹ Vì người nghèo không cao.

Thực tế thì có những doanh nghiệp, cá nhân mượn diễn đàn để đăng ký ủng hộ nhưng sau đó lại không thực hiện theo đúng cam kết, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề nghị Ban vận động “Vì người nghèo” Trung ương không thực hiện chương trình “Nối vòng tay lớn” hàng năm nữa, mà chuyển thành hình thức vận động thường xuyên.

Theo đó Ban vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp hàng năm xây dựng kế hoạch và đi vận động trực tiếp đến các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn kêu gọi sự chia sẻ ủng hộ đối với người nghèo, qua đó các đơn vị cam kết với MTTQ các chương trình an sinh xã hội để tạo nguồn ổn định cho quỹ Vì người nghèo.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam thông qua các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, cơ quan báo chí của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội về trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể trong việc chung sức cùng với chính quyền, các bộ ngành, chính quyền các cấp để chăm lo hỗ trợ cho người nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bằng các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự chia sẻ, sự đồng hành của toàn xã hội đối với hoạt động của Mặt trận để chăm lo cho người nghèo.

Đối với việc giám sát quản lý Quỹ Vì người nghèo sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ hướng dẫn MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động của Ban quản lý quỹ Vì người nghèo các cấp.

Thông qua hoạt động giám sát, Mặt trận các tỉnh thành phải báo cáo những kết quả vận động được, kết quả hỗ trợ và số tồn quỹ, điều này nhằm giúp Mặt trận từng cấp theo dõi và có điều chỉnh trong quá trình vận động hỗ trợ cho người nghèo, đảm bảo mục đích, mục tiêu, yêu cầu mà công tác quản lý quỹ đã đặt ra.

Ngoài ra, hàng năm Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng chọn địa phương để kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện quỹ Vì người nghèo, thuê kiểm toán độc lập kiểm toán quỹ để kiểm tra đánh giá đúng kết quả sử dụng tiền của nhân dân đóng góp vì người nghèo.

Anh Vũ