Xử lý vi phạm của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Phát hiện sai thì phải làm tới nơi tới chốn

Thành Luân 27/10/2016 10:05

Trao đổi với PV chiều 26/10, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh- Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học- Kỹ thuật- Môi trường thuộc Ủy ban MTTQ TP HCM cho rằng, việc xác định các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương (giai đoạn 2011-2016), mà nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là người đứng đầu chịu trách nhiệm trước các vi phạm là hoàn toán đúng nguyên tắc của Đảng, đúng quy định của pháp luật, đúng chức năng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Theo ông Ninh, “Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì đã rõ, nhưng điều mà dư luận, người dân quan tâm là việc các cơ quan chuyên môn có thực hiện nghiêm túc chỉ đạo mà kết luận đưa ra hay không, vì lâu nay những vụ việc xử lý ở cấp cao như vậy là chưa có tiền lệ”.

Đáng chú ý, một nội dung được yêu cầu trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương có trách nhiệm xem xét về việc thu hồi, hủy bỏ các quyết định sai trái trong công tác cán bộ. Nội dung này liên quan đến vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng trong thời gian lãnh đạo tại Bộ Công thương, được nêu trong kết luận là đã “thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai (ông Vũ Quang Hải) làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; tham gia HĐQT và giữ chức Phó tổng giám đốc Sabeco...”.

Còn Thiếu tướng Lê Kế Lâm- nguyên Chuẩn đô đốc Hải quân đánh giá, nếu việc thu hồi quyết định bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải do các sai phạm được nêu trong kết luận được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc thì người dân sẽ rất hoan nghênh, tin tưởng vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng. “Vụ ông Vũ Huy Hoàng đã “hạ cánh” rồi, nhưng vẫn điều tra xử lý thì đúng là Đảng đang rất quyết tâm chống tham nhũng. Cũng giống như trường hợp ông Trần Văn Truyền- nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, tức là ông ấy cũng về hưu rồi nhưng vẫn phải bị điều tra, làm rõ các sai phạm”- ông Lâm bình luận.

Cũng theo ông Lâm, nếu đã kết luận điều tra thì phải làm tới nơi tới chốn. Không nên chỉ làm đến bước cảnh cáo trong Đảng mà sai đến đâu xử nghiêm đến đó, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, không nể nang. Có như vậy, quyết tâm chống tham nhũng của Đảng mới có hiệu quả. Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận thì người dân rất mong mỏi các cơ quan chức năng khác như Thanh tra Chính phủ, các Bộ ngành liên quan phải tiếp tục vào cuộc làm rõ, kết luận rõ.

Từ các vụ việc nêu trên, ông Lê Kế Lâm cho rằng, đã đến lúc Trung ương cần nghiên cứu một bộ khung tiêu chuẩn về quy trình, tiêu chuẩn quản lý cán bộ cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Và, dứt khoát phải kiểm soát triệt để được tham nhũng, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi cá nhân. “Người dân mong muốn các quy trình, như tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ cần phải minh bạch, công khai trước dân. Thậm chí, nếu phát hiện việc bổ nhiệm sai quy định pháp luật, cần mạnh dạn xem xét mức độ thiệt hại để thu hồi tài sản cho Nhà nước”- ông Lâm nói.

Thành Luân