'Rốn lũ' Hương Khê (Hà Tĩnh) khôi phục sản xuất
Hương Khê sau lũ ít ngày, khung cảnh tan hoang vẫn bao trùm lên khắp vùng sơn cước này. Dấu ấn của trận lũ lịch sử in đậm trên từng khóm cây, ngọn cỏ, con đường và nhất là trong tâm trí người dân… Những ngày này, trên những cánh đồng, người nông dân bắt đầu cày, cuốc; trong các triền rừng nhiều người đã tìm kế mưu sinh. Vượt lên đau thương, mất mát, người dân nơi đây quyết tâm rũ bùn đứng dậy sau lũ.
Vựa bưởi của người dân xã Hương Trạch xác xơ sau lũ.
Xác xơ sau lũ
Ngày 25/10, chúng tôi trở lại “rốn lũ” xã Hương Trạch. Trong đợt lũ này, trên địa bàn xã bị hư hỏng hoàn toàn 60 ha bưởi (tương đương 2,4 vạn cây).
Nhìn cánh đồng bưởi của người dân xóm Phù Lễ, Phù Lập lúc này mới biết sức tàn phá của thủy lôi ghê gớm đến mức nào. Hàng trăm cây bưởi có thâm niên bật gốc, hàng trăm cây khác bị cuốn mất hết dấu vết, trắng cả một vùng.
Hai xóm này chỉ cách nhà máy thủy điện Hố Hô chừng 3-4 km, vựa bưởi lại nằm bên dòng sông Ngàn Sâu nên trong trận lũ vừa rồi cả vùng chìm trong biển nước.
Sau khi lũ rút, dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, người dân xóm Phù Lễ, Phù Lộc đều tập trung ra vựa bưởi ở Đường Cây Dẽ. Những người nông dân lầm lũi thấy chúng tôi đến nghĩ là cán bộ xã hay huyện đi thống kê thiệt hại nên ai cũng bíu lấy nhờ ghi vào sổ.
Chị Phạm Thị Vị (xóm Phù Lập) nước mắt lưng tròng chỉ vào những cây bưởi Phúc Trạch đã 15 tuổi đời ngả rạp dưới đất và nói: “Nhà tôi mới thoát nghèo 3 năm nay nhờ mấy chục cây bưởi này, giờ lại trở về hai bàn tay trắng. Vụ vừa rồi mới thu hoạch được 80 triệu nay thì mất hết rồi…!”.
Chị Vị đang nuôi hai đứa con đi học đại học, nợ ngân hàng hơn 85 triệu, trong đó vay cho con học 35 triệu, còn lại để đầu tư cho vườn bưởi.
Ngôi nhà gia đình chị đang ở cũng nhờ vào tiền làm nhà ở cho hộ nghèo, sau 3 năm nỗ lực thoát nghèo nhờ cây bưởi nhưng giờ 33 cây bưởi cho thu hoạch mấy năm nay bật gốc hoàn toàn, để lại sau lưng khoản nợ lớn chưa biết khi nào mới trả được.
Ra nhìn vườn bưởi trống hơ trống hoắc bà Hoàng Thị Phúc (xóm Phù Lễ) chỉ biết âm thầm lau nước mắt rồi quay vào nhà. Sống đơn thân nên bà Phúc không biết tâm sự cùng ai và cũng chưa biết nên bắt đầu lại từ đâu.
Ông Phan Xuân Hà-Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phù Lập chia sẻ: Người dân ở đây sống được là nhờ vào cây bưởi chủ lực này, trận lũ vừa rồi khiến thôn thiệt hại nặng nề.
Cả thôn có 147 hộ thì cả 100% đều trồng bưởi, đợt lũ lần này đã tàn phá khoảng 70% cây bưởi của người dân. Có cố gắng khắc phục thì 10 năm nữa cũng chưa chắc đã lấy lại được hiệu quả như ban đầu.
Nhưng điều quan trọng trước mắt được chính quyền xã và huyện xác định là vận động người dân tập trung khắc phục được cây nào hay cây đó, nếu không thì phải cắt bỏ. Bên cạnh khắc phục cây bưởi thì trồng xen cây ngắn ngày, sản xuất vụ đông, trồng rau màu để sớm cho thu hoạch ổn định cuộc sống.
Theo ông Lê Ngọc Huấn-Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, trong đợt lũ lần này, toàn huyện Hương Khê không có người chết nhưng có 20 người bị thương, 10.382 hộ bị ngập nước, trong đó có 2.576 hộ ngập trên 2m; nước lũ cuốn trôi 4 nhà kiên cố, 1 nhà kiên cố bị sạt lở, sụt nền phải di dời khẩn cấp; mưa lũ đã làm ngập trên 18 xã, thị trấn trên địa bàn, trong đó có 9 xã bị cô lập.
200ha lúa mùa bị hư hỏng; 720ha cây ăn quả bị ngập, hư hỏng (trong đó bưởi Phúc Trạch 400ha, cam 320ha). Nhiều công trình, trường học, trạm y tế, đường xá, điện, nước bị lũ tàn phá…Tổng thiệt hại ước tính trên 251 tỷ đồng.
Việc người dân vùng “rốn lũ” cần nhất lúc này là sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc diệt trừ dịch bệnh sau lũ, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và định hướng khắc phục sản xuất một cách quyết liệt, hiệu quả nhất.
“Lên dây cót” phương án sản xuất
Ở Hương Khê, tại một số xã như Phương Điền, Phương Mỹ, Hà Linh, Phúc Đồng… người dân đang khẩn trương làm đất đồng ngô sinh khối liên kết với Công ty Vitad, lấy thức ăn cho trâu, bò; trồng ngô nếp ngắn ngày đảm bảo lương thực.
Còn tại Lộc Yên, thị trấn Hương Khê, Phú Phong tập trung chỉ đạo sản xuất rau cải, rau củ, khoai lang ăn lá. Những vùng trồng bưởi Phúc Trạch, cam các loại đang khơi rãnh tiêu úng, xới xáo, phá váng đất, rửa bùn trên lá và thân gốc cây; chống đỡ các cây bị đổ ngã và bổ sung đất ở gốc; chuẩn bị cây giống để bổ sung thay thế những cây bị hư hỏng…
Cũng trong chiều ngày 25/10, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo một số ban ngành của tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra thực địa tại một số xã ở “rốn lũ” Hương Khê và ngay sau đó đã “lên dây cót” phương án khắc phục sản xuất cho người dân vùng lũ.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh và chính quyền huyện Hương Khê, ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Huyện Hương Khê và ngành nông nghiệp cần rà soát lại diện tích thiệt hại, cây nào còn khả năng khôi phục được thì hướng dẫn bà con kỹ thuật để phục hồi, đồng thời có chính sách hỗ trợ diện tích hư hại để bà con sớm khôi phục sản xuất.
Đặc biệt, phải cung cấp giống cây ngắn ngày như ngô, khoai, rau màu để nhân dân tập trung sản xuất, ít nhất là sau 3 tháng phải có sản phẩm thu hoạch. Mặt khác phải liên hệ với các doanh nghiệp đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
Đối với việc tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương phải thực hiện minh bạch, công bằng, đảm bảo sự đồng đều giữa các vùng, địa phương; vừa đảm bảo an sinh cho người dân, vừa tập trung cho việc khôi phục sản xuất.
Về công tác vệ sinh môi trường, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh giao Sở Y tế tập trung xử lý ruồi, muỗi, tiêm phòng gia súc, gia cầm, đảm bảo không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm sau lũ.