Minh bạch nợ xấu
Phải minh bạch con số nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu, từ đó mới có thể nhận diện được phương thức giải quyết nợ xấu. Nhiều chuyên gia về lĩnh vực tài chính trong cuộc trao đổi thẳng thắn với các đại biểu Quốc hội đã cho rằng: Muốn tháo gỡ được nợ xấu, người làm luật cần biết thực sự con số nợ xấu.
Cần có đột phá mới xử lý được nợ xấu.
Băn khoăn con số thực
Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng, con số nợ xấu hiện nay rất đáng quan tâm. Theo công bố của Ngân hàng nhà nước đến cuối tháng 8/2016 tỷ lệ nợ xấu là 2,62%.
“Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, khi cộng thêm với khoản nợ xấu mà VAMC (Công ty quản lý tài sản tổ chức tín dụng) mua về thì tỷ lệ nợ xấu hiện khoảng 7%. Còn dữ liệu IMF tính toán về nợ xấu của Việt Nam lên tới hơn 10%. Cần phải chốt lại con số nợ xấu để biết quy mô thực thế nào, và phải có đột phá trong xử lý nợ xấu”-TS Lực nhấn mạnh.
Trong khi đó theo thống kê của VAMC tính đến thời điểm 31/8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác).
Trong điều kiện của Việt Nam, nợ xấu thực sự là trách nhiệm của các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp và đồng thời cũng là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi thực hiện chức năng điều hành, quản lý, giám sát chưa hiệu quả.
Vì vậy, việc giải quyết nợ xấu là trách nhiệm của các ngân hàng, các doanh nghiệp, đồng thời cũng phải có sự tham gia của Bộ Tài chính và phải là quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cũng cho rằng, để có thể thành công trong công tác xử lý nợ xấu qua VAMC, cần có cái nhìn khách quan về nợ xấu. Không thể để một mình ngành ngân hàng loay hoay xử lý nợ xấu, xã hội cần chung tay cùng hệ thống ngân hàng xử lý trên tinh thần công khai, minh bạch.
Cần luật riêng để xử lý nợ xấu
Những khó khăn vướng mắc trong hoạt động xử lý nợ xấu rất nhiều nhưng tập trung ở 4 vấn đề chính.
Thứ nhất đó là quy định pháp luật còn thiếu chưa phù hợp để thúc đẩy hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu.
Hoạt động xử lý tài sản bảo đảm có nhiều vướng mắc nếu không có sự hợp tác của các khách hàng vay, bên bảo đảm. Bên nhận bảo đảm chỉ có thể thực hiện khởi kiện tại Tòa án để thu hồi nợ.
Trong khi đó thời gian giải quyết vụ việc tại Tòa án thường bị kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD,VAMC.
Thứ 2, VAMC thiếu những quy định đặc thù để có thể xử lý nhanh nợ xấu.
Các quy định pháp luật hiện tại chưa tạo sự thông thoáng cho hoạt động VAMC, thậm chí còn hạn chế quyền của VAMC khi thực hiện xử lý nợ thông qua các biện pháp như bán nợ, bán tài sản bảo đảm.
VAMC không thực hiện được quyền chủ nợ đối với các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu Chính phủ.
Thứ 3, thị trường thiếu những cơ chế điều tiết linh hoạt và hiệu quả trong xử lý nợ xấu dẫn đến hệ quả không thu hút được các tổ chức, nhà đầu tư có tiềm lực trong tham gia vào hoạt động xử lý nợ xấu.
Việc bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài gặp một số vướng mắc vì theo quy định pháp luật hiện hành việc nhận thế chấp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế.
Thứ 4, việc xử lý nợ chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ, đảm bảo tính công khai minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện công việc.
Hệ lụy dẫn đến hạn chế không khuyên khích TCTD, VAMC tích cực triển khai công tác xử lý nợ.
TS Cấn Văn Lực, cho rằng cần có đột phá mới xử lý được nợ xấu. Cụ thể đó là đột phá thị trường mua bán nợ, kinh nghiệm Thái Lan, Malaysia chỉ thành công khi nợ được bán theo giá thị trường.
Ngoài ra vị chuyên gia này cũng khuyến nghị thời gian tới, nên nghiên cứu phát hành loại trái phiếu mới có tính thanh khoản cao hơn, được phép mua đi bán lại, cầm cố.
Còn PGS TS Đặng Ngọc Đức, Chủ nhiệm đề tài Nhà nước về xử lý nợ xấu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xử lý nợ xấu bằng ngân sách rất khó nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Do đó, phương án xử lý nợ xấu khả thi và hiệu quả nhất hiện nay là chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Đồng thời, sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng trái phiếu Chính phủ đã phát hành.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu không có một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt để xử lý thì sẽ có nguy cơ kéo dài số năm giải quyết nợ xấu lên trên 1 con số.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng đồng tình quan điểm cho rằng cần có một luật riêng để xử lý nợ xấu. Sau khi xử lý xong thì luật hết hiệu lực.
Thu hồi nợ xấu là vô cùng khó khăn “Từ năm 2013 dến nay, VAMC đã thực hiện mua được 25.062 khoản nợ của 42 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ gốc là 262.054 tỷ đồng. Giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2015 là năm mua nợ kỷ lục của VAMC với tổng dư nợ gốc đã mua tới 107.915 tỷđồng với giá mua 99.244 tỷ đồng. Còn trong 9 tháng của năm 2016, VAMC đã mua 21.094 tỷđồng nợ xấu. Theo số liệu cập nhật mới nhất tính đến ngày 22/10, VAMC đã xử lý đôn đốc, thu hồi được 39.200 tỷđồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 14,95% tổng khối nợ đã mua của công ty này. Kết quả thực hiện này cho thấy việc xử lý tài sản, thu hồi nợ xấu là vô cùng khó khăn đối với VAMC và các tổ chức tín dụng”-Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty VAMC thừa nhận. |