Cảnh quan đầm Lập An bị phá vỡ
Ngày 27/10, chúng tôi đến Lăng Cô và được những người dân sinh sống dọc 2 tuyến đường phía Đông và phía Tây của đầm Lập An cho biết, đầm nước này trước đây có nhiều sò huyết. Sò huyết giờ không còn nữa bởi một dự án tầm cỡ đã xâm hại đến phần lớn diện tích mặt đầm.
Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết: Dự án phá sản để lại nhiều hậu quả nhưng sau nhiều năm vẫn chưa thu hồi được hàng trăm ha đất đã cấp cho nhà đầu tư.
Cảnh quan đầm Lập An bị phá vỡ (Ảnh: Thanh Tùng).
Nhếch nhác
Không chỉ có du khách nước ngoài mà hầu hết du khách Việt Nam đến Lăng Cô đều ái ngại trước sự xâm hại diện tích mặt nước đầm Lập An.
Là hồ nước lợ ở vùng bán sơn địa phía Bắc đèo Hải Vân, đầm Lập An tạo ra cảnh quan sơn thủy hữu tình. Di chuyển theo 2 tuyến đường phía Đông và Phía Tây của đầm, du khách có thể thỏa sức ngắm nhìn mây trời soi bóng nước từ lúc bình minh cho đến tận chiều tà.
Tuy nhiên cảnh quan tự nhiên phía Đông của đầm nước này đã và đang bị tác động, xâm hại bởi hoạt động kinh doanh ăn uống.
Buổi sáng ngày 27/10, những người dân Lăng Cô đang rải những vòng tròn cắt từ lốp ô làm chỗ bám cho hàu (loại hải sản nước mặn có giá trị dinh dưỡng cao) phơi trên mặt đường sau mấy ngày mưa, nói với chúng tôi rằng họ hưởng lợi không đáng kể từ việc cung cấp thủy, hải sản cho các quán nhậu mọc lên ngày càng nhiều trên mặt đầm mà trái lại, diện tích sản xuất của họ vừa bị thu hẹp, vừa ô nhiễm làm ảnh hưởng đến chất lượng thủy hải sản nuôi trồng và đánh bắt.
Không ai muốn nhà hàng, quán nhậu lùm xùm, nhếch nhác mọc ngay trên mặt nước trước cửa nhà mình nhưng chính quyền đồng ý cho họ (chủ nhà hàng, quán nhậu) làm thì dân biết kêu ai - một người dân vừa buồn bã nói vừa chỉ tay về phía mấy cái nhà hàng che chắn tạm bợ trên mặt nước.
Tìm gặp ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, chúng tôi được ông này cho biết, hiện tại chưa có quy hoạch tổng thể riêng cho đầm Lập An.
Đề cập đến tình trạng hàng chục ha diện tích mặt nước phía Tây của đầm Lập An, trước mặt các khu dân cư Hói Mít, Hói Dừa đầy cọc bê tông nham nhở, chúng tôi được ông Dương Đăng Trung cho biết ông mới đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô nên có những việc chưa nắm bắt hết.
Hệ quả của dự án… triệu đô
Theo lời những người dân Lăng Cô sinh sống dọc 2 tuyến đường phía Đông và phía Tây của đầm Lập An thì đầm Lập An trước đây có nhiều sò huyết. Sò huyết giờ không còn nữa bởi một dự án tầm cỡ đã xâm hại đến phần lớn diện tích mặt đầm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cọc bê tông cắm đầy mặt nước phía Tây của đầm Lập An là của một dự án lớn gồm khách sạn, nhà hàng, sân golf vươn ra mặt nước.
Vài năm trước, khi dự án có nguy cơ phá sản và báo hiệu để lại hệ quả xấu cho cảnh quan, môi trường đầm Lập An, chúng tôi nghe ông Trần Văn Giảng (Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô lúc bấy giờ) than thở “Họ (nhà đầu tư) xây nhà cao tầng, thấp tầng hoặc làm sân golf như thế nào thì… chưa rõ lắm!
Đất giao cho Dự án từ năm 2007 là đất nông nghiệp, đền bù chưa hết, còn… treo đó. Dân bây giờ không có đất sản xuất”. Là Chủ tịch UBND thị trấn nhưng ông Trần Văn Giảng cũng chỉ biết, chủ đầu tư Dự án là một doanh nghiệp có tên gọi Gia Minh Conic. Trụ sở “đóng ở mô thì cũng không rõ”.
Dân không biết, lãnh đạo địa phương sở tại mơ hồ… Tuy nhiên, trên website của mình, nhà đầu tư này đã quảng cáo rất hoành tráng: “Trên diện tích 145ha bán đảo đầm Lập An sẽ hình thành khu sân golf 18 lỗ kết hợp những biệt thự sang trọng vươn ra mặt đầm và những dãy núi hùng vĩ…”.
Cọc bê tông cắm đầy mặt nước phía Tây đầm Lập An (phá vỡ cảnh quan, hủy hoại môi trường sống của các loài thủy, hải sản, triệt tiêu sinh kế của người dân Lăng Cô) là những gì còn sót lại của Dự án lớn bị phá sản.
Tìm hiểu các thông tin liên quan đến Dự án bất thành phá vỡ cảnh quan đầm Lập An, chúng tôi được biết: Trước việc nhà đầu tư “xin thêm đất” ở đầm Lập An xây sân golf , tháng 4/2012, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2871/VPCP-ĐP, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tuân thủ đúng quy định tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng sân golf; tuyệt đối không được sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa một vụ năng suất thấp), đất màu, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để đầu tư sân golf…
Trong cuộc trao đổi mới đây với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết: Chưa thu hồi được diện tích đất đã cấp cho nhà đầu tư Dự án nói trên.