Tín hiệu lạc quan
Trong bảng xếp hạng mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về chỉ số thuận lợi trong môi trường kinh doanh toàn cầu, Việt Nam được xếp thứ 82 trên tổng số 190 quốc gia được Ngân hàng Thế giới khảo sát, với số điểm 63,83 trên thang 100. Như vậy, so với 1 năm trước, Việt Nam đã thăng hạng tới 9 bậc (năm trước chúng ta xếp thứ 91 với điểm số 61,11/100).
Đây rõ ràng là một tín hiệu tích cực, lạc quan không chỉ đối với nền kinh tế, mà còn chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh, với những nỗ lực hành động không ngừng cải tiến, đã và đang mang lại những chỉ số đáng ghi nhận.
Ảnh minh họa.
Bản Báo cáo thường niên của WB đánh giá các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập doanh nghiệp; xin cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán.
Và trong đó, WB nhận định Việt Nam đã cải thiện được một số mặt như: Tiếp cận điện năng (tăng 5 bậc lên thứ 96); Tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ (tăng từ 31 bậc lên thứ 87); nộp thuế (tăng 11 bậc lên thứ 167);Tiêu chí giao thương quốc tế (tăng tới 15 bậc lên thứ 93).
Trong số những mặt đã được cải thiện (tăng bậc) nêu trên, chúng ta đã rất tự tin và lạc quan về lĩnh vực Tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ (tăng tới 31 bậc).
Điều này hẳn nhiên công nhận và ghi nhận sự chú trọng quan tâm bảo vệ, kể cả “dìu dắt” các mô hình kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa-một lực lượng hùng hậu của nền kinh tế nhưng phải nói thật là bấy lâu nay vẫn rất yếm thế, thiệt thòi!
Theo kết quả điều tra khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thì hệ thống doanh nghiệp nước ta có tới 97% ở quy mô nhỏ và vừa.
Phần lớn các công ty khối này đi lên từ các mô hình sản xuất gia đình, cá thể nhỏ lẻ. Sau gần 10 năm gia nhập WTO, đa số các doanh nghiệp dân doanh trong nước vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “DN tư nhân bị bao nhiêu vùi dập nhưng vẫn tồn tại được chủ yếu do tự thân vận động”. Bà Chi Lan phân tích: Nếu chỉ nhìn vào hệ thống pháp luật chính sách luôn có cụm từ “bình đẳng”. Song xuống tới nghị định, thông tư thì khác nhau một trời một vực giữa cam kết chung với thực tiễn.
Thế nhưng đó là chuyện của trước đây, nay đã khác hơn nhiều. Ít nhất từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ đã có sân chơi bình đẳng hơn.
Và quan trọng, chứng tỏ những nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành hữu quan và các địa phương về việc coi và đánh giá vai trò của doanh nghiệp tư nhân (đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế lên đến 40%) đã và đang hiện thực hóa.
Công bằng mà nói, trước đây khối doanh nghiệp tư nhân chịu lép vế đủ đường, thua thiệt hơn nhiều so với khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn vốn, thực thi chính sách và kể cả những ưu ái, ưu tiên mà Chính phủ cam kết đối với khối doanh nghiệp tư nhân là thực tế và đã được ghi nhận tích cực.
Bởi vì cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hiện đang là một trong những trọng tâm của Chính phủ.
Chẳng hạn, Việt Nam phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN - 4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả, mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế…
Tin rằng, bằng hành động quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, các địa phương sẽ triển khai hiệu quả, lực lượng doanh nghiệp dân doanh đã và sẽ được chú trọng bảo vệ, bảo đảm thành công nhiều hơn, sẽ còn lớn mạnh và hùng hậu hơn.
Vì đây cũng chính là khối tạo ra nhiều của cải vật chất, giải quyết việc làm tốt nhất cho nền kinh tế!