Kiểm tra tình hình bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển
Sáng ngày 28/10, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thừa Thiên - Huế Nguyễn Nam Tiến đã về huyện Phú Vang kiểm tra tình hình bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Người dân đến nhận tiền bồi thường tại Trạm Y tế Phú Thuận.
Ông Nguyễn Viết Mạch, Trưởng phòng NN&PTNT Phú Vang cho biết, trong đợt chi trả đợt 1 Phú Vang có 6.350 đối tượng được bồi thường với số tiền trên 110 tỷ đồng.
Riêng xã Phú Thuận - nơi Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thừa Thiên - Huế trực tiếp kiểm tra, đợt này có 1.124 đối tượng sẽ được nhận số tiền bồi thường là 13,64 tỷ đồng.
Tại Trạm Y tế Phú Thuận, một trong hai điểm chi trả của địa phương này, theo sắp xếp của chính quyền địa phương, buổi sáng chi trả cho bà con ở thôn Tân An và Xuân An còn buổi chiều chi trả cho thôn An Dương 3.
Dưới sự bảo vệ của lực lượng Công an và Dân quân địa phương, chỉ những người có Thông báo nhận tiền bồi thường thiệt hại do Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Đặng Văn Tùy ký mới được vào khu vực dành riêng cho những người nhận tiền.
Tại bàn đối chiếu.
Tại đây, người được nhận tiền bồi thường phải xuất trình giấy CMND và tờ Thông báo. Sau khi đối chiếu, người nhận không chỉ ký tên mà còn điểm chỉ vào danh sách những người nhận tiền rồi mới được nhận.
Anh Trần Hường và Trần Thêm chỉ là những lao động làm chung với các chủ thuyền đánh bắt gần bờ. Trong đợt 1 này, mỗi người được đền bù 17,880 triệu đồng.
Hai anh tỏ rõ sự vui mừng vì lần đầu nhận được số tiền lớn, bởi nghề “đi bạn” bình thường mỗi ngày chỉ thu nhập trên 50.000 đồng/ngày, những khi được mùa mới có 100.000 đồng/ngày, nhưng rất hiếm.
Với số tiền mới nhận, anh Hường dự định sẽ giao cho vợ mở quán bán tạp hóa; còn anh Thêm thì sẽ mua thêm gà, vịt để chăn nuôi.
Nhận tiền bồi thường.
Qua kiểm tra, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thừa Thiên - Huế đánh giá: Phú Vang đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, việc chi trả được thực hiện theo nguyên tắc “công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không bỏ sót”.
Tại nơi chi trả đều có đại diện Mặt trận và các đoàn thể kiểm tra, giám sát, nhờ vậy mà nhân dân đồng tình, chưa xảy ra sai sót.
Kiểm tra tình hình tại thị trấn Thuận An, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thừa Thiên - Huế đã nghe Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Thuận An Phan Cớ báo cáo tình hình.
Thuận An có 414 tàu thuyền đánh bắt hải sản với 1.204 lao động trực tiếp tham gia và hơn 1.400 lao động liên quan đến nghề cá ở trên bờ.
Để việc bồi thường đúng đối tượng, qua hơn một tháng, Thuận An phải tiến hành rà soát, xác minh hơn 100 đối tượng, trong đó có trường hợp chủ tàu đã ngưng đánh bắt từ năm 2015 nhưng vẫn kê khai.
Tuy nhiên, theo ông Phan Cớ, qua nắm tình hình, Thuận An hiện một số vướng mắc trong việc chi trả bồi thường.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thừa Thiên - Huế (ngồi bên trái) trao đổi với Tổ giám sát ở điểm chi trả Trạm Y tế Phú Thuận.
Qua trao đổi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thừa Thiên - Huế Nguyễn Nam Tiến đề nghị Thuận An trước mắt tổ chức tốt việc chi trả cho 3.149 đối tượng được duyệt.
Với những vướng mắc mà MTTQ được phản ánh trong đợt này, đề nghị Cấp ủy, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể Thuận An tiếp tục rà soát, kiến nghị để người dân khỏi bị thiệt thòi.
Theo kế hoạch, Thuận An sẽ chi trả vào ngày 1 - 2/11/2016 với số tiền 49,73 tỷ đồng.