Đòn thật và đòn gió

Mục Phu 29/10/2016 13:05

Bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO vừa công bố cơ cấu binh lính của 4 tiểu đoàn quân đội đa quốc gia mà NATO đã quyết định thành lập từ năm ngoái để triển khai tại Ba Lan và 3 nước Bantic.

Theo đó, có 17 trong 27 thành viên NATO đóng góp binh lính tham gia 4 tiểu đoàn này và sẽ chịu sự chỉ huy của Mỹ, Anh, Đức và Canada. Một tiểu đoàn nữa tới đây sẽ được thành lập ở Rumani. Ngoài ra, Mỹ triển khai riêng một tiểu đoàn xe tăng chính quy rải rác ở một số nước giáp ranh Nga.

Trước đó, Mỹ đã đưa vào hoạt động hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu và lực lượng quân đội nhỏ ở một số nước thành viên NATO. Tất cả những lực lượng quân đội này thật ra không lớn nhưng chưa khi nào kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc NATO lại triển khai nhiều binh lính và thiết bị quân sự đến như vậy ở khu vực sát cạnh Nga.

NATO cho biết mục đích của việc này là thể hiện cho Nga thấy một khi có thành viên NATO nào bị tấn công thì tất cả các thành viên NATO sẽ gộp sức đối phó.

Cái thật trong chuyện này đối với NATO là lo ngại thực sự về Nga sau khi Nga tiếp nhận Crimea và tiếp tục hậu thuẫn phe ly khai ở Ucraine.

Ucraine không phải là thành viên NATO nhưng chính sách của Nga đối với Ucraine và Grudia đã khiến NATO ăn không ngon, ngủ không yên và một số nước thành viên NATO ở khu vực xung quanh Nga vốn đầy hiềm khích với Nga đã kích động NATO đối phó Nga và thổi phồng mối đe doạ an ninh từ Nga.

Cho nên NATO đã có những suy tính và chuẩn bị nhất định để ứng phó với kịch bản tồi tệ nhất là xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp với Nga.

Hay nói theo cách khác, mức độ thì chưa phải nhưng trong thực chất NATO đã trở về cách tiếp cận và suy diễn như ở thời chiến tranh lạnh với Liên Xô trước đây.

Nhưng đồng thời trong đó cũng còn có cả tác động của cú đòn gió. NATO dùng số ít quân lính này để răn đe Nga và trấn an đồng minh trong liên minh, thể hiện sẵn sàng đối địch quân sự với Nga để ngăn ngừa chính việc này xảy ra.

NATO không dám triển khai lực lượng lớn vì vẫn phải tránh khiêu khích Nga và đẩy Nga vào cuộc chạy đua vũ trang và tăng cường quân đội ở khu vực ranh giới giữa NATO và Nga.

Mục Phu