Cạnh tranh không lành mạnh: Tự mình dìm chết mình
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là điều tất yếu. Nhiều doanh nghiệp (DN) để nâng mình lên đã tìm cách dìm DN khác xuống. Thế nhưng, thực tế cho thấy cạnh tranh không lành mạnh, cạnh tranh bằng những chiêu trò bẩn, thì sẽ làm méo mó môi trường kinh doanh, và DN có thể tự mình dìm chết mình.
Cạnh tranh lành mạnh để các bên cùng thắng.
Dùng chiêu trò hạ gục đối thủ
Có một tực tế là hiện nay không ít DN đã sử dụng nhiều hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí bằng cả những chiêu trò “bẩn” nhằm mục đích hạ gục đối thủ. Họ có thể sử dụng hình thức quảng cáo sản phẩm của mình với chất lượng tốt, an toàn và thẳng thừng chê bai sản phẩm của đối thủ là độc hại, bất an. Sự vụ nước mắm công nghiệp “muốn đè chết” nước mắm truyền thống mới đây là một ví dụ điển hình của việc cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường hiện nay.
Người ta vẫn chưa quên sự cố “con ruồi trong chai nước ngọt” khiến DN sản xuất bị người tiêu dùng tẩy chay. Lờ mờ đằng sau sự việc này là cả một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các DN kinh doanh trong ngành giải khát với nhau. Thế nhưng, thương trường là chiến trường, DN khốn đốn vì chai nước ngọt “dính vật thể lạ” trong một thời gian khá dài. Mất mát về tài chính là một chuyện, quan trọng hơn, chữ tín của DN đối với người tiêu dùng đã bị giảm sâu, đó mới là mất mát lớn hơn cả.
Chưa hết, còn nhớ năm 2009, một hãng sữa của Việt Nam đã từng bị đối thủ sử dụng chiêu trò cạnh tranh bằng cách lập một diễn đàn để “chơi xấu”, tung tin là chất lượng sản phẩm sữa của hãng sữa đó có vấn đề. Kết cục là, hãng sữa này đã bị người tiêu dùng quay lưng và thiệt hại về tài chính là hết sức lớn.
Giới chuyên gia kinh tế cho hay, không gì tạo ra hiệu ứng nhanh bằng việc đánh vào niềm tin của người tiêu dùng. Và đây chính là chiêu được nhiều DN đã và đang sử dụng trong môi trường kinh doanh hiện nay.
Có thể phương hại cả nền kinh tế
Có thể nói, hiện nay cạnh tranh không lành mạnh đang ngày càng xuất hiện nhiều và càng khó kiểm soát hơn.
Trao đổi về vấn đề cạnh tranh giữa các DN hiện nay, ông Nguyễn Sỹ Dũng- nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cách cạnh tranh không lành mạnh hiện nay của nhiều DN là vô cùng nguy hại, không sớm thì muộn cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và đến sự phát triển nói chung của xã hội. “Tiêu chí để cạnh tranh luôn luôn phải là tốt hơn và rẻ hơn, chứ không thể là gian ngoan hơn và thủ đoạn hơn. Cạnh tranh theo cách của quỷ dữ chỉ có thể tạo ra địa ngục trên đất nước chúng ta mà thôi” – ông Dũng nhấn mạnh. Theo ông Dũng, DN chỉ có thể thực sự phát triển khi dựa vào tiêu chí chất lượng và giá cả chứ không phải bằng những thủ đoạn xảo quyệt nhằm dìm chết DN khác, cách cạnh tranh như vậy không bền vững vì bản thân sản phẩm của DN đó cũng không tốt thì sẽ sớm bị người tiêu dùng quay lưng.
Theo ThS luật Nguyễn Tuyết Nga (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM), cạnh tranh là tất yếu, DN muốn tồn tại, phát triển phải cạnh tranh. Thế nhưng, một khi các phương thức cạnh tranh lành mạnh bị biến tướng bằng các “chiêu trò không lành mạnh”, thì nó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chân chính, mà sâu xa hơn, còn làm cho người tiêu dùng mất đi quyền cơ bản nhất là quyền lựa chọn và sử dụng các sản phẩm có chất lượng với giá thành phù hợp.
Giải pháp được ông Nguyễn Sỹ Dũng nêu lên, đó là, trước hết phải vận hành trên thực tế Luật Cạnh tranh. Các DN bị bôi xấu cũng phải hiểu rõ, sử dụng công cụ pháp luật để tự bảo vệ mình, kiện những người tung tin thất thiệt. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần áp đặt chế tài hình sự nếu sự tung tin cấu thành tội vu khống.