Nâng cao nhận thức về hàng Việt đối với người dân

Quốc Định 29/10/2016 16:27

Ngày 29/10, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra thực hiện Cuộc vận động tại TP HCM.

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi kiểm tra thực hiện Cuộc vận động tại TP HCM.

Dự tiếp đoàn có bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động TP; ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP; cùng đại diện các sở, ban, ngành của TP.

Báo cáo về kết quả Cuộc vận động với Đoàn công tác, ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP, Ủy viên thường trực Cuộc vận động TP cho biết, thời gian qua, TP tiếp tục đẩy mạnh 5 nhóm giải pháp nhằm phát huy tích cực và khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.

Tính đến tháng 10/2016, TP có 40 trung tâm thương mại, 187 siêu thị, 240 chợ truyền thống, gần 882 cửa hàng tiện lợi và 10.304 điểm bán hàng bình ổn, phủ rộng khắp các địa bàn, đặc biệt tại các khu vực vùng ven ngoại thành và các khu chế xuất - khu công nghiệp phục vụ công nhân và người lao động.

Với việc phát triển mạnh hệ thống phân phối, đã tạo điều kiện doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước có cơ hội mở rộng thị trường, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối cao (80-90%), người tiêu dùng (NTD) có cơ hội lựa chọn, tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước.

Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP và các tỉnh/thành tiếp tục tạo điều kiện cho DN cơ cơ hội tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường DN TP nói riêng và các tỉnh, thành nói chung, tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, xử lý kịp thời tình hình biến động thị trường, góp phần tạo sự ổn định chung về mặt bằng giá cả hàng hóa. Kể từ khi triển khai Chương trình, các DN TP đã tham gia 132 Hội chợ triển lãm tổ chức tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ; riêng TP HCM đã tao điều kiện, hỗ trợ DN các tỉnh, thành tham gia 989 Hội chợ triển lãm được tổ chức tại TP HCM.

Chương trình bình ổn thị trường tổ chức hơn 820 chuyến bán hàng lưu động, đặc biệt trong 2 tháng trước tết và tăng tần suất phục vụ vào các ngày cao điểm.

Đại diện Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP kiến nghị, để Cuộc vận động được triển khai hiệu quả hơn nữa, cần có sự chỉ đạo hoàn thiện hệ thống các rào cản kỹ thuật phù hợp với các cam kết về mở cửa thị trường; tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò hơn nữa của Ban Chỉ đạo điều phối Đông Nam bộ và vùng trọng điểm phía Nam, hướng dẫn các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu phù hợp với lợi thế của từng địa phương.

Bà Võ Thị Dung cũng kiến nghị, Trung ương tiếp tục chỉ đạo rõ ràng hơn về nhận diện hàng Việt để người tiêu dùng hiểu rõ hơn thế nào là hàng Việt; giúp TP xây dựng thương hiệu quốc gia, bởi hiện nay ở TP cũng chưa có nhiều DN nổi trội để cạnh tranh quy mô toàn cầu, nhất là vào thời điểm hội nhập như hiện nay; cần giao cho cơ quan chức năng cụ thể công bố hàng hóa nào an toàn hay không an toàn. Bên cạnh đó, Trung ương cần tăng cường quản lý báo chí về thông tin vì chỉ cần một thông tin đưa sai lệnh sẽ làm hại DN rất lớn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, TP HCM là địa phương luôn dẫn đầu về thực hiện CVĐ này. Sự phân công trách nhiệm của các cơ quan rất cụ thể, mặc dù Mặt trận Tổ quốc là cơ quan chịu trách nhiệm chính về CVĐ này nhưng TP phân công Phó Bí thư làm trưởng Ban chỉ đạo CVĐ. Điều đó cho thấy, TP rất tâm huyết đến CVĐ này.

Phó Chủ tịch lưu ý, DN sản xuất cần phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, cố gắng không thua tại sân nhà. Thành phố cần tổ chức nhiều hơn những phiên chợ để đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Cần gắn Cuộc vận động với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên sơ kết CVĐ để chọn nhân tố, mô hình mới, có sức lan tỏa nhằm nhân rộng; gắn Cuộc vận động với phong trào thi đua trong các tổ chức Đảng, đoàn thể… Nâng cao nhận thức về hàng Việt đối với người dân, để từ đó có thói quen sử dụng hàng Việt.

“Cần phải không ngừng đổi mới về công tác tuyên truyền làm sao cho dân dễ hiểu; Mặt trận kết nối để cùng các tổ chức thành viên thực hiện CVĐ đồng bộ; tăng cường hoạt động đưa hàng về nông thôn; làm sao giữa sản xuất và phân phối có sự điều tiết cho hài hòa; Nâng cao hiểu quả giám sát của MTTQ về thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm” - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Trước đó, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cùng các thành viên của đoàn công tác đã kiểm tra, khảo sát thực tế tại Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu (phường 6, quận 3). Tại đây, Đoàn công tác đã được nghe báo cáo của đại diện Saigon Co.op và đại diện Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu.

Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những kết quả đạt được của Saigon Co.op nói chung và Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Đình Chiểu nói riêng. Chúc mừng Saigon Co.op đã mở rộng hệ thống được 84 siêu thị ở khắp các tỉnh, thành cả nước; hàng hóa của Saigon Co.op góp phần bình ổn kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, Saigon Co.op đã xây dựng cho mình được nhãn hàng riêng, rất nổi bật và ấn tượng, khó làm giả.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Thanh Mẫn lưu ý các siêu thị cần giữ vệ sinh môi trường vì khi người dân vào siêu thị thấy sạch, họ sẽ yên tâm hơn. Về hàng hóa Tết cần chuẩn bị đầy đủ số lượng và chủng loại, đảm bảo giá cả không tăng.

Dưới đây là một số hình ảnh Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn kiểm tra thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TP HCM:

Quốc Định