Hy vọng về ngôi làng thần kỳ
Nhờ trồng rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông dân làng Kawakami đã biến vùng đất cằn cỗi trở nên phồn thịnh và nổi tiếng, được vinh danh là “làng thần kỳ”. Để làm được điều đó, ngoài áp dụng công nghệ tiên tiến thì điều quan trọng hơn cả chính là những người nông dân đã biết đưa cái tâm, chữ tín và một kỷ luật khắt khe, nghiêm cẩn vào trong sản xuất, nhất là trong việc sử dụng hóa chất.
Huyền thân,
Bạn còn nhớ mấy tháng trước chúng mình đã cùng nhau trao đổi về ngôi làng thần kỳ ở Nhật Bản khi Huyền vừa có chuyến đi tham quan ở đó trở về? Lúc đó mình nghĩ chẳng biết bao giờ người Việt mình có những ngôi làng như vậy? Chẳng biết bao giờ người tiêu dùng thể tự tin sử dụng rau sạch tại đồng ruộng khi rau an toàn trong bữa ăn hàng ngày còn khó nữa là rau sống ăn ngay tại ruộng.
Thế nhưng, có một tin vui, một hy vọng về ngôi làng thần kỳ ở Việt Nam mà mình muốn thông báo cho bạn. Hôm 24/10 vừa rồi, khi tiếp Thống đốc tỉnh Nagano Shuichi Abe sang thăm và làm việc ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất hoan nghênh ý tưởng chuyển giao kiến thức trồng rau sạch của tỉnh Nagano, đặc biệt là của Trưởng làng “thần kỳ” Kawakami theo hình thức cử chuyên gia sang Việt Nam chuyển giao công nghệ và tiếp nhận lao động trẻ của Việt Nam đến làng học tập kinh nghiệm.
Theo lời Thủ tướng “đây chắc chắn sẽ là nội dung hợp tác hiệu quả và thiết thực đối với chúng tôi nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản, nâng cao đời sống người dân”. Thủ tướng cũng đề nghị Thống đốc Shuichi Abe quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này và mở rộng các mô hình “làng thần kỳ” của Nhật Bản tại các địa phương của Việt Nam.
Như vậy là người dân Việt Nam đang có nhiều hy vọng, một làng thần kỳ với những sản phẩm rau an toàn sẽ có mặt ở Việt Nam để phục vụ người tiêu dùng Việt, giải tỏa phần nào nỗi lo rau bẩn, rau không an toàn ám ảnh trong suốt thời gian qua phải không bạn?
Huyền ạ, mình được biết, nhờ trồng rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông dân làng Kawakami đã biến vùng đất cằn cỗi trở nên phồn thịnh và nổi tiếng, được vinh danh là “làng thần kỳ”.
Để làm được điều đó, ngoài áp dụng công nghệ tiên tiến thì điều quan trọng hơn cả chính là những người nông dân đã biết đưa cái tâm, chữ tín và một kỷ luật khắt khe, nghiêm cẩn vào trong sản xuất, nhất là trong việc sử dụng hóa chất. Mình được biết, bất kể hóa chất nào dùng cho cây đều được đưa lên bàn cân đúng liều lượng sử dụng, hoặc thấp hơn.
Hay chuyện vị trưởng làng kêu gọi người dân canh tác rau theo tiêu chuẩn chung của làng, những người vi phạm sẽ bị cấm sản xuất…Chữ tín và cái tâm của người nông dân chính là lý do để Kawakami Mura trở thành ngôi làng giàu nhất nước Nhật đúng không Huyền?
Thực ra, cũng không phải tất cả người nông dân quê mình đều sản xuất rau theo kiểu “phun thuốc hôm trước hôm sau hái bán” như một số báo mạng đưa tin. Mình đã về những vùng sản xuất rau sạch như Vân Nội- Đông Anh (Hà Nội) hay Yên Đồng, Ý Yên (Nam Định)…
Bà con nông dân rất ý thức trong việc trồng và sản xuất rau sạch. Thế nhưng, với ruộng nương manh mún, nhà sở hữu nhiều nhất cũng chỉ đến 1 sào đất nên khó áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Thêm vào đó việc lập lờ đánh lận con đen giữa rau sạch và rau bẩn của thương lái; việc sản xuất rau sạch làm tăng nhiều chi phí trong khi người tiêu dùng chưa quen một mớ rau rạch đắt gấp 3, 4 lần rau thường… Đó là một trong nhiều lý do để những mô hình sản xuất rau an toàn vẫn còn hiếm hoi hoặc ra đời nhưng lại không trụ lại bền vững.
Vậy thì tới đây, hy vọng với sự chuyển giao kiến thức trồng rau sạch từ “làng thần kỳ” ở Nhật Bản cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, những mô hình sản xuất rau an toàn với thương hiệu “làng thần kỳ ở Việt Nam” không chỉ còn là…mơ ước phải không Huyền?
Bạn gái.