Một hồn thơ nhất quán
Thức với những tập mờ (NXB Hội Nhà văn 2014) là một tập thơ ấn tượng. Nó ấn tượng ở những bài thơ và ở cả những câu thơ. Có hai bài thơ mà tôi nhớ ngay từ tên gọi: “Thong thả dưới trời” và “Những hạt vàng ta buông bỏ”. Chỉ cần nêu thế thôi, cũng đã đủ hình dung ra cái tâm thế dường như là bất di bất dịch của nhà thơ Nguyễn Đình Minh khi cầm bút làm thơ và coi thơ là một phần không thể thiếu trong anh.
Đến “Lặng lẽ đời cây” (NXB Hội Nhà văn, 2016), cái tâm thế ấy, lại được bộc lộ triệt để hơn, nhất quán hơn. Rồi cũng như nhiều người khác, tôi không (hoặc khó) hình dung ra nổi ở những tập thơ sau này, con đường thơ của Nguyễn Đình Minh sẽ tiếp tục thế nào? Nhưng có điều tôi tin, với xuất phát ấy, với sự theo đuổi ấy, sự hướng tới hoặc đích hướng tới trong thơ Nguyễn Đình Minh đã tương đối rõ ràng. Sở dĩ nói “khó hình dung” là vì tôi vẫn tin trong thơ nói riêng và trong văn chương nói chung, vẫn có phần nào giống như một cuộc thi chạy đua maratông, mà ở đó, hành trình tới đích bao giờ cũng hấp dẫn và đáng nói hơn là khi chạm đích hoặc cán đích.
Mở “Lặng lẽ đời cây”, tôi đã có ấn tượng ngay với “Hạt lúa” và “Việt Nam”. Trong “Hạt lúa”, có đoạn:
Không có bảy nong cơm, thì làm gì có Gióng
Lang Liêu được ngai vàng bởi vuông bánh chưng xanh
Đất nước dẫu thăng trầm, chưa khi nào rời vai đôi bồ lúa
Niềm vui mỗi mái nhà/ Quyện hơi ấm cơm thơm…
Trong “Việt Nam”, có đoạn:
Chạm hai tiếng “Việt Nam” khắc trên đá giữa ngàn mây
Nhớ một dải biên thùy gươm khua, ngựa hý
Thời đất nước buộc phải lấy máu mình viết nên lịch sử
Vận mệnh dân tộc sinh tồn
Đặt trên mũi tên bay…
Hai đoạn thơ này đã đẩy hạt lúa và Việt Nam lên một tầm khái quát khác đầy thuyết phục, tất nhiên là bằng thơ. Sự trưởng thành của dân tộc này, sự trường tồn của dân tộc này bắt đầu từ hạt lúa và mũi tên bay. Hai câu: “Vận mệnh dân tộc sinh tồn/ Đặt trên mũi tên bay”, trong đó câu “Đặt trên mũi tên bay”, có thể ví như một cái đinh được đóng vào trí nhớ.
Tất nhiên, trong “Việt Nam”, còn có hai câu nữa, đáng để cho độc giả nhớ thêm và nghiền ngẫm:
Đến cây lau cũng hóa cờ trận mạc
Và trời xanh lại khác trời xanh
Những câu thơ như thế, ít ra cũng chứng minh được một điều: Chỉ có người làm thơ cũ, không có những câu thơ cũ. Nhưng “Lặng lẽ đời cây” không chỉ có thế. Nhiều đơn vị câu thơ, chi tiết thơ đã trở thành điểm nhấn. Nhiều đơn vị câu thơ, chi tiết thơ đã góp phần nâng vực và sinh thành tứ thơ. Có thể tạm thống kê: “Hoa sen tẩm thơm vào lũi lầm cay đắng/ Khúc ru nôi ủ ấm giấc mơ nghèo” (Nghe thì thùng trống hội); “Và tục ngữ cứ sinh sôi cùng với đồng lúa” (Tục ngữ của làng); “Ta rưng rưng nhấp men đồng ấm lửa/ Uống hồn quê thơm giữa bát sành” (Chiều nhấp men đồng); “Lòng người hình như có bão/ Con trâu cũng trở mình nằm nhai khúc canh khuya” (Tháng 5 quê nội); “Chiều cánh vạc thoảng thơm mùi khói bếp/ Mẹ nghiêng xiêu gánh gió dọc triền sông” (Chạm gió đầu đông); “Trăng như một khuyên son lưng trời đêm biếc/ Chấm một ngày hạnh phúc/ Cho ta” (Một ngày); “Nải chuối vào mâm xòe tay ôm bầy quả/ Cơm ủ ngấm chín men, trở mình dậy rượu” (Tết giữa nôi quê); “Đom đóm nháy đèn từng đàn đi chơi gió/ Dắt lòng anh trôi sang ngõ nhà em” (Tháng 3 ơi); “Họ là những bông hoa lúa/ Nở mỗi ngày trên bát cơm thơm” (Những bông sen nước); “Tổ quốc ấm những buổi chiều/ Nghe gió gọi cơm thơm” (Bóng mẹ); “Con đò ngu ngơ tự hỏi/ Bến này nơi đậu hay đi?/ Dòng sông cuộn mình trăn trở/ Sóng này, phải sóng ngày xưa?” (Theo bước ngày đi); “Dẫu có hóa thần, nhưng chẳng con Âu Lạc/ Làng nhuộm máu, đồng chìm trong nước mắt/ Lạnh sống lưng bài học nghìn năm (Gửi hồn Thục Phán); “Xộc xệch một mảnh chiều/ Vùi lấp những ngày xưa” (Trên vuông đất ngày xưa); “Gom chiều cất rượu muối dưa/ Mùi chua, vị đắng như vừa đâu đây” (Chiều trắng); “Chợ gầy như một mảnh trưa/ Con tôm thì xác, tàu dưa thì cằn” (Tiếng buồn chợ trưa); “Bì bõm giữa dãi dầu, chồng cày vợ cấy/ Cây lúa lên xanh, hơi thở bết mùi bùn” (Nước mắt giữa mùa vàng); “Đã bù nhìn chẳng màng chuyện công danh, thớ lợ/ Hai vai gánh cả bầu trời” (Bù nhìn)…
Đó là những câu thơ tài hoa, sắc sảo, có sự phát hiện, làm mới được những gì tưởng như đã cũ và hàm chứa, rất đáng được “đánh” những dấu khuyên. Đó là những bài thơ có tứ, có trụ, mặc nhiên đứng vững.
Đi xa hơn trong mạch suy tưởng, trong mạch “đào sâu xoáy mạnh” (theo cách nói của Chế Lan Viên), độc giả còn bắt gặp những câu thơ mang giá trị cảnh tỉnh, cảnh báo, trong mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa được và mất thật xót xa, đau đớn.
Đó là “Thời mở cửa, gió lành tràn về cùng nhiều cơn gió độc/ Siêu bão xô rung nền văn minh lúa nước nghìn năm” trong “Hạt lúa”; “Phố ăn hết những miếng thịt đất làng mặn mồ hôi muối” trong “Mảnh quê ngày gió”; “Thiếu hồn quê và không quá khứ/ Có phải vô tình ươm nấm độc ở tương lai” trong “Ghi trong tour du lịch”; “Đem hồn quê treo lên đoạn đầu đài trong Nhớ mùa bão cũ; Ăn thật nhanh/ Uống vội/ Đi như chạy, dù nắng dẫu mưa…/ Cổng nhà máy, mỗi sớm mai mở toang hoác miệng cá/ Chị bị hút qua như một con mồi” trong “Người đàn bà thời công nghiệp”…
Trong “Lặng lẽ đời cây”, thông qua những miếng, những mảng trong những bài thơ có ý, có tứ…người đọc bắt gặp một Nguyễn Đình Minh luôn thật thiên lương trong tâm tưởng. Anh rất sợ “Thấy hồn mình như bị ai đánh tráo” (Theo cánh chuồn kim), rất sợ “Mang hình người mà không có trái tim” (Bầy khỉ dưới mái chùa) và “Lòng bỗng thèm nghe tiếng của con người” (Bẽ bàng giữa một tầng cao)…Chính vì thế mà “Dưới bụi mù bụi công nghiệp và tềnh ềnh sự thừa thãi”, Nguyễn Đình Minh vẫn tiếp tục chặng hành trình từ “thong thả dưới trời” đến “những hạt vàng ta buông bỏ” như là cái căn bản, cái cốt yếu trong anh:
Tôi đốt đuốc tìm tôi
Trong những bức tường rêu ngậm ngùi dần hóa thạch
Các giá trị đang so găng trong cuộc chuyển vần
Lòng lo sợ ngày mai mình thành rô bốt
Giữa đêm chuyển mùa, gà eo óc cầm canh...