Loay hoay quá tải
Dù Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, nhưng đó vẫn là một thực tế diễn ra tại không ít bệnh viện. Tình trạng người bệnh nằm ghép, nằm hành lang đang là thách thức với các bệnh viện tuyến cuối.
Ảnh minh họa.
Không ghép mới lạ
Khảo sát tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội như Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Việt Đức, K, Bạch Mai, Thanh Nhàn…việc bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người một giường vẫn khá phổ biến. Đến Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Việt Đức vẫn còn cảnh hai, ba người chung một giường, thậm chí có bệnh nhân mổ xong, hai ngày vẫn chưa được chuyển vào giường bệnh.
BV phụ sản Trung ương, BV phụ sản Hà Nội cũng nằm trong tình cảnh ấy. Chăm một thai phụ quê Nam Định ở phòng chờ đẻ BV phụ sản Trung ương, bà Lan than thở: Con gái tôi được dự báo sinh non, có nhiều khả năng bị dây nhau quấn cổ, ảnh hưởng đến thai nhi nên vợ chồng nó bảo lên Hà Nội cho yên tâm, nhập viện đã 2 ngày và phải ghép chung giường. Người khỏe nằm chung giường đã mệt mỏi, bụng to thì càng khó chịu, nhưng tình trạng chung như thế, biết làm sao.
Khoa Ung bướu của BV Thanh Nhàn cũng lại quá tải. Bệnh nhân Trần Thị T. (62 tuổi, Hà Nội) cho biết, hơn 1 tháng điều trị tại đây, lúc nào bà cũng phải nằm ghép 2-3 người/giường. Bà T. cho biết, giường nào cũng có hai đến ba bệnh nhân nằm ghép. Tối đến, dọc hành lang, la liệt người ngồi, nằm trên những chiếc chiếu, rất tạm bợ. Có người phủ tạm chiếc khăn, tờ báo lên mặt để ngủ chập chờn. Trong một buồng bệnh, cụ bà ngoài 80 tuổi phải thở dốc, con cháu xúm xít xung quanh, người quạt mát, người đấm lưng. Ngay dưới chân họ là la liệt người nhà của những bệnh nhân khác, uể oải, mệt mỏi. Lác đác trên ghế đá trong BV người nhà bệnh nhân tranh thủ thay nhau nằm nghỉ.
Bồng con trên tay, ngồi ở chân một góc sân BV Nhi Hà Nội, chị Hương (Nam Định) cho biết: Con chị bị viêm phổi đã điều trị dưới bệnh viện tỉnh gần chục ngày, bệnh không giảm, nên phải đưa lên BV Nhi. Ở đây đều phải nằm ghép 2 - 3 cháu/giường nên đôi khi phải bế con ra sân ngồi cho thoáng. Trong phòng bệnh chật chội, ngoài bệnh nhân ra còn đông người đi theo để chăm sóc nên sinh hoạt rất bất tiện, ngột ngạt và lộn xộn…
Tại Viện Tim mạch quốc gia, số bệnh nhân điều trị nội trú gấp đôi số giường thực kê.Theo đó, viện có 278 giường nhưng tới 525 bệnh nhân. Đến viện này sau 21 giờ tối đều dễ dàng bắt gặp cảnh tượng bệnh nhân và người nhà nằm ngổn ngang. Thậm chí nhiều người nằm trong cả gầm giường. Đông nhất phải là khu nhà C6. Tại đây, khoảng 30 giường bệnh được xếp san sát nhau, mỗi giường có ít nhất 2 người nằm, dưới gầm giường, dọc lối đi, người nhà và cả người bệnh nằm san sát. Không khí ngột ngạt, bức bối vô cùng.
Còn TP HCM, có lẽ BV Ung bướu là quá tải nhất. Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV thì bệnh viện thực kê 600 giường bệnh nhưng số bệnh nhân nằm viện từ 1.500 đến 1.700 người. Dù cố gắng sắp xếp thêm giường nhưng người bệnh không phải nằm ghép mới là lạ.
Vẫn phải đợi
Thời gian qua, các BV lớn trên toàn quốc đã rất chú trọng thực hiện chỉ đạo giảm quá tải của Bộ Y tế, song dường như lực bất tòng tâm. Ông Dương Đức Hùng- Trưởng Phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Bạch Mai, cho biết lãnh đạo BV quán triệt các khoa, phòng nếu quá tải từ hơn 10% thì không chấp nhận giường dịch vụ để ưu tiên cho bệnh nhân khám thường và BHYT.
Quá tải nhiều, phải kể đến những Viện/Khoa tỷ lệ sử dụng giường rất cao như Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Khoa Thận tiết niệu, Khoa Thần kinh, Khoa Tiêu hóa, Viện Tim mạch. Trong những năm tới, ước tính lưu lượng người bệnh đến khám sẽ đạt mức khoảng 6.000 lượt khám/ngày.
Theo ông Hùng, vì là tuyến cuối, BV thường xuyên phải tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân nặng; trong khi cơ sở vật chất có hạn, nên hiệu quả giảm tải vẫn chưa thể như mong đợi.
“BV Bạch Mai chỉ có 2.300 giường bệnh, nhưng thường xuyên có khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, nhiều khi rất khó liên hệ để chuyển bệnh nhân đi bệnh viện khác... Hiện tại, BV Bạch Mai đã bắt đầu triển khai xây dựng Trung tâm Khám bệnh, điều trị trong ngày, đồng thời cải tạo, nâng cấp khoa Thần kinh và Viện Sức khỏe tâm thần. Dự kiến sau 2 năm nữa, công trình này sẽ hoàn hiện với quy mô 9 tầng nổi là nơi khám chữa bệnh và 3 tầng hầm dành để làm nhà để xe- ông Hùng cho biết.
Tại BV Chợ Rẫy- TP HCM, nơi mỗi ngày tiếp nhận khám, điều trị cho khoảng 10.000 người bệnh, gần đây cũng đã thực hiện đồng bộ đề án giảm tải. Theo Giám đốc BV- TS Nguyễn Trường Sơn thì BV đã đưa ra quyết tâm đến cuối năm nay, không còn tình trạng nằm ghép sau 48 giờ tại các khoa nhưng thật ra để thực hiện được điều này cần rất nhiều giải pháp.
Các giải pháp giảm tải được BV Ung bướu thực hiện, như mở khoa vệ tinh với quy mô 150 giường đặt tại BV quận 2 từ năm 2014; tăng điều trị ngoại trú nhằm giảm số nội trú; khám thông tầm từ 5 giờ sáng… đã từng bước hạn chế tình trạng quá tải.
Song theo các bác sĩ tại bệnh viện thì số bệnh nhân ung bướu thời gian gần đây tăng đột biến nên việc giảm tải giống như người bệnh nặng, giảm chỗ này lại phình chỗ kia …
Trước đó, theo Bộ Y tế, năm 2015, có 10 BV đã ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. Đến thời này, cả nước có gần 40 bệnh viện tuyến trên cam kết không để bệnh nhân nằm ghép sau 48 giờ. Dù đã có nhiều nỗ lực song, theo đánh giá chung, việc chống quá tải của các bệnh viện quả là rất khó.
Trong khi đó, công suất sử dụng giường bệnh ít cải thiện mà có xu hướng ngày càng tăng. Đơn cử công suất sử dụng giường bệnh tại BV Ung bướu TP.HCM trên 249%, BV Chợ Rẫy 154%, các bệnh viện khác như Bạch Mai, Nhi, Phụ sản cũng tương tự…
Tình trạng quá tải nan giải như vậy không chỉ khiến người bệnh, người nhà mà đội ngũ nhân viên y tế cũng mệt mỏi, căng thẳng. Nhưng hầu hết các bệnh viện đều dành một phần diện tích để làm khu vực điều trị theo yêu cầu thu tiền giường dịch vụ vài trăm ngàn đồng/ngày, gây tâm lý bị phân biệt đối xử với người bệnh ngay chỉ trong một khoa điều trị.
Thậm chí, có bệnh viện như Nhi, không ít người bệnh đã buộc lòng phải chuyển sang nằm giường dịch vụ mới mức giá mà theo nhiều người nhà bệnh nhân thì nằm ngày nào buốt ruột ngày đấy.
Chỉ đạo của Bộ Y tế về việc các bệnh viện ký cam kết không nằm ghép quá 48 giờ, tiến tới chấm dứt tình trạng quá tải kéo dài nhiều năm qua khiến người bệnh thực sự vui mừng.
Tuy nhiên, theo các BV, để giải quyết quá tải, không đơn thuần chỉ là cam kết mà Bộ Y tế cần đưa ra những biện pháp quyết liệt, đồng bộ hơn, trong đó quan trọng nhất là phát triển chất lượng bệnh viện tuyến dưới.
Nói như BS Tăng Chí Thượng- Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM thì giải pháp căn cơ và lâu dài cho việc giảm quá tải chính là các BV tuyến dưới phải tạo được niềm tin với người bệnh, đồng thời phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác như mở rộng cơ sở vật chất, y tế dự phòng...
Tuy nhiên, đây là công việc cần phải có thời gian.