Thí điểm sản xuất điện từ rác
UBND TP HCM vừa đồng ý cho một công ty của Nhật Bản hợp tác với Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị thành phố (Citenco) triển khai Mô hình thử nghiệm nhà máy xử lý chất thải hữu cơ dễ phân huỷ sinh học tái sinh năng lượng phát điện.
Rác - nguồn nguyên liệu tiềm năng để sản xuất ra năng lượng điện.
Nhà máy đặt tại bãi chôn lấp Phước Hiệp (Củ Chi) có công suất 200 kg mỗi ngày, sử dụng chất thải thực phẩm lấy từ chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn ở phường Bến Nghé, quận 1.
Mô hình thử nghiệm được đặt tại bãi chôn lấp Phước Hiệp do Citenco quản lý (thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi) với diện tích khoảng 300m2.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu 2 công ty này phải thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, trả lại mặt bằng sạch sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm.
Các bên phải cam kết hợp tác triển khai mô hình thử nghiệm không liên quan đến việc thực hiện dự án sau này (nếu có).
Trong quá trình thử nghiệm, nếu phát sinh ô nhiễm môi trường thì phải ngừng, chịu trách nhiệm khắc phục ô nhiễm. Thời gian thử nghiệm là 8 tháng kể từ tháng 10/2016.
Trên thực tế, việc tận dụng nguồn rác thải để sản xuất điện năng đã từng hình thành từ năm 2006, khi TP HCM đưa vào hoạt động công trình xử lý rác Gò Cát (quận Bình Tân, TP HCM) do Công ty Môi trường Ðô thị thành phố làm chủ đầu tư (được xây dựng trên diện tích 25 ha, với tổng vốn đầu tư 262 tỷ đồng, do Chính phủ Hà Lan viện trợ không hoàn lại 60%).
Trong đó, riêng hạng mục xây dựng nhà máy sản xuất điện từ rác ở Gò Cát được đầu tư hơn 3 triệu USD với công suất 2,4 MW nhưng hiệu quả từ nhà máy chưa cao.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 7.600 tấn rác và hiện có 75% lượng rác được xử lý theo công nghệ chôn lấp tại bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh).
Theo TS Nguyễn Trung Việt- Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TP HCM, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố mỗi ngày đã thải ra 7.500 tấn rác sinh hoạt (trong đó hơn 90% lượng rác được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, 10% còn lại làm phân compost).
Nếu phân loại rác tại nguồn thành công, thành phố sẽ tái sử dụng 90-95% khối lượng chất thải rắn, trong đó khoảng 70% dành để tái sinh năng lượng (đốt phát điện) và sản xuất phân compost, phân vi sinh giúp giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.
Thế nhưng hiện thành phố vẫn chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào. Chính vì vậy, việc đầu tư nhà máy sản xuất điện từ rác thải sẽ giúp giảm lượng rác chôn lấp và tạo nguồn thu từ rác.
Việc phân loại rác tại nguồn còn rất hạn chế, dù đã được thí điểm nhiều lần nhưng hiện chỉ có một số phường đang thực hiện.
Nguyên nhân do thiếu đầu tư hệ thống phân loại một cách đồng bộ, từ thùng rác tại mỗi gia đình, phương tiện vận chuyển có ngăn riêng và các bãi rác phải phân loại, tái chế đúng yêu cầu.
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, nếu không được thu giữ, khí mêtan tại các bãi chôn lấp chất thải sẽ trở thành khí nhà kính nhiều gấp 20 lần CO2 khi nó gia tăng trong khí quyển. Các bãi chôn lấp chất thải chiếm 25% tổng lượng khí metan phát thải có liên quan đến hoạt động của con người. Do đó, thu giữ khí mêtan tại các bãi chôn lấp cũ và đang hoạt động mang lại lợi ích toàn cầu, đồng thời là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng. Tại một số bãi chôn lấp chất thải, khí mêtan không được sử dụng để phát điện mà được đốt cháy để không phát thải vào khí quyển, nhưng lại gây lãng phí tiềm năng năng lượng. |