Lễ hội truyền thống: Phục vụ du khách hay cộng đồng?
Trong kho tàng di sản văn hoá của Việt Nam, lễ hội là một thành tố văn hóa đặc biệt có giá trị du lịch rất lớn và được coi như một bảo tàng văn hoá dân gian, nơi chứa đựng, lưu giữ nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá do các thế hệ tiền nhân để lại. Tuy nhiên, theo TS Bùi Thanh Thuỷ - Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, mối quan hệ giữa di sản và du lịch tốt hay xấu tuỳ thuộc vào cách chúng ta xử lý chúng như thế nào.
Một biểu hiện thương mại hóa di sản văn hóa (Ảnh minh họa).
Thương mại hóa di sản
Trong nhiều năm trở lại đây, lễ hội đã trở thành một sản phẩm du lịch chính hút du khách. Tuy nhiên khi khai thác các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch hiện nay, phần lớn các lễ hội truyền thống đã biến đổi những giá trị gốc và bản chất vốn có của nó.
Sự nguy hiểm ở chỗ những hình thức văn hoá và di sản không thể thay thế được sẽ bị mất đi do mong muốn hiện đại hoá phục vụ nhu cầu thực tại. Đây là một thách thức mà các lễ hội truyền thống đang phải đối mặt.
Thương mại hóa di sản văn hóa luôn có hai mặt. Trong trường hợp đối với lễ hội truyền thống, nếu các hoạt động khi tổ chức lễ hội được quản lý tốt có thể đem lại những lợi ích cho cộng đồng như lợi ích kinh tế, tạo dựng niềm tự hào, thu hút khách du lịch, xây dựng vị thế cho địa phương, tạo hình ảnh của điểm đến du lịch và quốc gia.
Nhưng nếu không được quản lý, điều hành tốt và nếu những lợi ích không được thấy một cách rõ ràng, giá phải trả và những vấn đề nảy sinh sẽ gia tăng.
Bản chất lễ hội sẽ mất đi, sự hỗ trợ từ phía cộng đồng và những đóng góp tự nguyện sẽ không còn, lễ hội truyền thống dần trở thành lễ hội hiện đại với những diễn viên đóng thế do những chủ nhân đích thực của nó không muốn tham dự.
Lễ hội sẽ như một chương trình chạy tự động, “đến hẹn lại lên” để phục vụ du khách, không còn là lễ hội của cộng đồng địa phương.
Một thách thức khác là khi du khách nước ngoài đến du lịch Việt Nam, phần lớn việc lựa chọn đến với lễ hội truyền thống chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của họ trong khi đó mục đích của du khách trong nước lại chủ yếu do tính tâm linh.
Nơi tổ chức các lễ hội hiện nay ít có các hoạt động thay thế lôi cuốn du khách ngoài nghi thức, các trò chơi và trò diễn. Vấn đề môi trường, an ninh nơi diễn ra lễ hội chưa được kiểm soát một cách nghiêm túc.
Các lễ hội lại thường tổ chức vào một thời điểm với những quy thức nhất định, có những lễ hội lạ, hấp dẫn nhưng lại diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, khó tiếp cận.
Du lịch hủy hoại di sản?
Nhiều ý kiến cho rằng, việc khai thác các di sản quá mức cho du lịch sẽ dẫn đến các di sản bị huỷ hoại. Trên thực tế, dưới ảnh hưởng của du lịch, nhiều di sản văn hoá cả vật thể và phi vật thể đã bị biến dạng hoặc biến mất.
Nhiều lễ hội khi trở thành lễ hội du lịch đã mất hết những giá trị vốn có của nó, trở thành những sinh hoạt trần tục. Nói chung, nhiều giá trị văn hoá đã bị biến mất khi bị khai thác du lịch một cách thái quá, thiếu kiểm soát. Vấn đề này không nên đổ lỗi hoàn toàn cho du lịch.
Cách thức quản lý của con người đóng vai trò quyết định xem du lịch có lợi hay có hại trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Đối với quản lý lễ hội, điều cơ bản là làm sao phát triển du lịch khi vẫn giữ gìn được bản sắc của lễ hội. Làm cho du lịch và lễ hội không xung đột nhau mà bổ trợ, phục vụ lẫn nhau.
Văn hóa hiện nay khác với văn hóa trong quá khứ, không thể đòi hỏi mọi thứ vẫn giữ nguyên khi nó đã trải qua thời gian. Vì thế những chính sách, quy chế, quy định đối với lễ hội truyền thống cần linh hoạt để thu hút du khách và tránh được những mặt trái mà du lịch có thể tác động đến lễ hội cổ truyền.
Cũng không nên phủ nhận vấn đề kinh tế đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của lễ hội truyền thống trong đời sống hiện nay mặc dù người dân địa phương có thể tự tổ chức lễ hội để thể hiện đức tin, niềm tự hào, đam mê của chính họ mà không cần dùng đến tiền ngân sách.
Bởi ít nhất phải có tiền để duy trì một ban tổ chức hoạt động hiệu quả, nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan nơi tổ chức lễ hội.
Hơn nữa, khi người dân được hưởng lợi từ sinh hoạt này sẽ kích thích hơn việc tham gia tích cực từ phía họ, lễ hội vì thế sẽ lớn dần lên và được duy trì một cách lâu dài, bền vững.
Xét trên khía cạnh du lịch, du khách sẽ được chào đón hơn khi đến với lễ hội vì người dân địa phương hiểu rằng du khách đến giúp họ bảo tồn chính văn hoá của họ và mang lại lợi ích kinh tế cho họ.
Ngược lại, du khách cũng cảm thấy hài lòng hơn khi đến một nơi du lịch mà người dân nồng nhiệt, mến khách và thân thiện. Những người đầu tư, tài trợ cũng sẽ tham gia hăng hái hơn vì nhận thấy có được lợi ích của bản thân họ. Điều đó cho thấy việc giữ gìn, phát huy lễ hội và những lợi ích từ kinh tế có mối liên kết với nhau.
Hơn nữa, môi trường, cách thức tổ chức lễ hội cũng có sự thay đổi, thành phần làm nên một lễ hội cũng khác xưa. Ngoài người dân của cộng đồng, khách du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cách tổ chức và quản lý lễ hội hiện nay.
Các lễ hội xưa không bị chi phối quá nhiều bởi lượng khách, còn bây giờ phần lớn các ban quản lý, chính quyền, cộng đồng địa phương tổ chức lễ hội truyền thống để phục vụ khách trẩy hội, sao cho hút đông khách đến, chứ không phải hướng tới cộng đồng cư dân địa phương như trước kia. Do vậy, trong việc tổ chức và quản lý lễ hội hiện nay phải tính đến nhu cầu, vai trò của du khách.