Thái Bình: Xác định nguyên nhân vụ nổ lò hơi ở xưởng chế biến hải sản
Liên quan đến vụ tai nạn nổ lò hơi tại cơ sở chế biến hải sản Lan Anh ở Thái Bình khiến 4 người chết, 11 người bị thương, ông Phan Đình Dực, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thái Thụy cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Thái Thụy đã tổ chức họp khẩn, yêu cầu các ngành liên quan của huyện, chính quyền 2 xã Thụy Hải và Thụy Lương bàn các biện pháp tập trung khắc phục hậu quả; chỉ đạo xử lý các tình huống phát sinh.
Hiện trường vụ nổ lò hơi. (Ảnh: TTXVN).
Lãnh đạo huyện yêu cầu Công an huyện Thái Thụy phối hợp với Công an tỉnh, các ngành liên quan, chính quyền 2 xã Thụy Lương và Thụy Hải tập trung lực lượng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý các vi phạm và có biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm mới có thể phát sinh.
Ủy ban Nhân dân huyện Thái Thụy cũng giao Phòng Kinh tế-Hạ tầng chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội , Liên đoàn Lao động, Công an huyện, Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn tiến hành rà soát, kiểm tra ngay tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, yêu cầu dừng sản xuất nếu phát hiện vi phạm về vệ sinh, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và vi phạm trong sử dụng lao động.
Liên quan đến việc khắc phục hậu quả vụ tai nạn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ mỗi gia đình có người bị tử vong 10 triệu đồng; hỗ trợ mỗi người bị thương 3 triệu đồng.
Ủy ban Nhân dân huyện Thái Thụy hỗ trợ mỗi gia đình có người bị tử vong 5 triệu đồng, hỗ trợ mỗi người bị thương 1 triệu đồng. Xã Thụy Lương hỗ trợ mỗi gia đình có người bị tử vong 4 triệu đồng; xã Thụy Hải hỗ trợ mỗi gia đình có người bị tử vong 2 triệu đồng.
Như tin đã đưa, vào khoảng 10 giờ ngày 30/10 tại cơ sở chế biến hải sản Lan Anh (thôn Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) do anh Tạ Duy Anh (sinh năm 1970) và vợ là chị Phạm Thị Lan (sinh năm 1975) làm chủ đã xảy ra vụ nổ lò hơi khiến nhà xưởng bị tốc mái, tường ngăn trong khu vực sản xuất bị đổ sập, thiết bị máy móc hư hỏng hoàn toàn.
Thời điểm xảy ra vụ tai nạn có 19 lao động đang làm việc tại cơ sở. Vụ việc khiến 2 người tử vong tại chỗ, 2 người tử vong khi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và 11 người bị thương đang được điều trị, theo dõi tại 2 bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Chính quyền huyện Thái Thụy đã xác định được danh tính các nạn nhân thương vong trong vụ tai nạn; đồng thời xác định nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn này là do nổ nồi hơi trong dây chuyền chế biến sản phẩm gion.
Theo đó, hai nạn nhân tử vong tại chỗ trong vụ tai nạn là Bùi Thị Luân (sinh năm 1965, ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) và Lê Thị Búp (sinh năm 1964, ở xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy); hai nạn nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình là Nguyễn Thị Chung (sinh năm 1962) và Trần Thị Bé (sinh năm 1961), cùng ở xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy.
11 người bị thương hiện đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Thái Thụy và Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình gồm: Đỗ Thị Minh (sinh năm 1979, ở xã Thụy Hải), Nguyễn Thị Luyên (sinh năm 1969, ở xã Thụy Lương), Bùi Thị Thu (sinh năm 1959, thị trấn Diêm Điền), Lê Thị Hà (sinh năm 1978, xã Thụy Bình), Phạm Thị Minh (sinh năm 1961, xã Thụy Hải), Tạ Thị Liên (sinh năm 1972, xã Thụy Hải), Đoàn Thị Tròn (sinh năm 1955, thị trấn Diêm Điền), Nguyễn Thị Miện (sinh năm 1960, thị trấn Diêm Điền), Bùi Thị Hiền (sinh năm 1968, xã Thụy Hải), Nguyễn Thị Hội (sinh năm 1972, xã Thụy Trình) và Nguyễn Như Mệnh (sinh năm 1962, xã Thụy Trình).
Theo cơ quan chức năng, cơ sở Lan Anh chuyên chế biến các mặt hàng gion cung ứng ra thị trường. Lao động làm việc tại cơ sở này không cố định, được thuê theo ngày và theo thời vụ tùy thuộc vào lượng gion thu mua được. Các thiết bị trong dây chuyền chế biến gion của cơ sở này chưa từng được kiểm tra, kiểm định theo quy định./.